TT-Huế:

300 nhà khoa học quốc tế bàn về tiến bộ Y Dược

(Dân trí) - Trong ngày 29/11, hơn 300 nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới đã cùng bàn về những bước tiến bộ trong y dược tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện ĐH Y khoa Huế mở rộng lần I và Hội thảo tim mạch Đức - Việt 2013.

2 hội nghị và hội thảo nói trên là cụm sự kiện khoa học quan trọng về lãnh vực Y Dược tại Việt Nam được tổ chức định kỳ hàng năm (đến nay là lần thứ 8) nhằm giới thiệu những thành quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phục vụ công tác khám chữa bệnh và đào tạo nguồn nhân lực y tế cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước đã được triển khai trong thời gian qua tại Bệnh viện ĐH Y khoa Huế

Có trên 50 báo cáo khoa học trình bày tại hội nghị với các kiến thức cập nhật và chuyên sâu. Đặc biệt, hội nghị tập trung mạnh vào lĩnh vực Tim mạch và tim mạch can thiệp với sự đóng góp quan trọng của các nhà Tim mạch học hàng đầu từ CHLB Đức, Châu Âu và từ các BV ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Y Dược Thái Nguyên, Cần Thơ, ĐH Y khoa Vinh và Y Dược Tây Nguyên.

300 nhà khoa học quốc tế bàn về tiến bộ Y Dược

Hơn 300 nhà khoa học Y Dược có tiếng trong và ngoài nước cùng rất nhiều người quan tâm đã tập trung tại trường ĐH Y-Dược Huế ngày 29/11

Một số đề tài đáng chú ý về Tim mạch và tim mạch can thiệp như “Đặc điểm giới tính trong điều trị bệnh lý tim mạch” – GS Hans-F.Voehringer, “Cập nhật chẩn đoán phân biệt và phân tầng bệnh mạch vành tim bằng tập trung đặc biệt vào CT và MRI” – GS Thomas Budde, “Chống đông trong rung nhĩ: cập nhật 2013” – BS Alexander Trompler, “Loại hẹp nào cần điều trị? Bài học từ sinh lý mạch vành” – GS Volker Klauss (Munich, cùng CHLB Đức), “Các phương thức điều trị cho hẹp động mạch chủ nặng – Kỹ thuật mới” – BS Pascal André Berdat (Zurich, Thụy Sĩ)…

Hội nghị cũng đã phân thành các tiểu bang khác như Nội - Nhi, Ngoại – Sản – LCK Ngoại – Chẩn đoán hình ảnh – Cận lâm sàng, Vai trò thuốc kháng đông dạng mới trong dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ do các GS đầu ngành trong và ngoài nước làm chủ tịch đoàn.

Trong hội thảo một lần nữa đã nêu rõ về nhiệm vụ quan trọng của mô hình trường y và bệnh viện y. Theo GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y – Dược Huế, GĐ Bệnh viện ĐH Y khoa Huế: “Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển, mô hình Trường – Viện (bệnh viện) trong đào tạo y khoa là sự phối kết hợp tối ưu để cung cấp đào tạo nhân lực y khoa chất lượng cao. Việc nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng được thực hiện tốt nhất khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa các phòng thí nghiệm thuộc Trường và những đơn vị nghiên cứu lâm sàng đặt tại bệnh viện trường. 15 năm qua, nhiều Trường ĐH Y Dược tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và phát triển các bệnh viện đại học trực thuộc trường trong 1 mô hình Trường – Viện mang đặc thù của nước ta”.

Cùng với BV Trung ương Huế, thì mô hình Trường ĐH Y Dược Huế - BV ĐH Y khoa Huế được đánh giá là 1 trong 3 nơi đào tạo, thực hành về y khoa trọng điểm cả nước (cùng với Hà Nội và TP HCM). Hiện BV ĐH Y khoa có khoảng 500 giường bệnh, 300 cán bộ làm việc thường xuyên tại BV và kiêm nhiệm dạy học – làm với tay nghề rất cao, ngoài phục vụ cho bệnh nhân trong nước còn có cả người bệnh Lào, Campuchia. Một số trung tâm hiện đại vào bậc nhất tại Việt Nam ở đây đã đưa vào hoạt động thời gian qua như: Trung tâm nội soi tiêu hóa với sự hợp tác, tài trợ của ĐH Nagoya (Nhật Bản), Trung tâm tim mạch can thiệp, Trung tâm an toàn sinh học cấp 3 thuộc dự án Carlo Urbani (tên nhà khoa học đã hy sinh vì căn bệnh thế kỷ: dịch hô hấp SARS), Trung tâm chẩn đoán và điều trị vô sinh – thụ tinh trong ống nghiệm, Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Trung tâm phẫu thuật bằng dao Gamma đầu và thân...

Đại Dương