30% trẻ Việt chưa đạt chiều cao chuẩn

(Dân trí) - Theo thống kê, hiện Việt Nam vẫn còn 1/3 trẻ em Việt vẫn chưa đạt chiều cao theo chuẩn nhưng tỉ lệ thấp còi do suy dinh dưỡng cũng đã có xu hướng giảm.

Hội nghị tổng kết “Chương trình lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm nguy cơ cao tại Việtn nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên có sự kết nối giữa các ngành Nông nghiệp và Y tế với các can thiệp dinh dưỡng và an ninh lương thực cùng thực hiện Chương trình chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc với kinh phí đầu tư lên tới 3,5 triệu USD.
 
Khoản kinh phí này giúp Việt Nam giảm thiểu thấp còi phong chống tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trong tương lai cũng như tăng cường tiến bộ tiến tới đạt được hai Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về đói nghèo và tử vong ở trẻ em cho tới năm 2015

1/3 trẻ em Việt Nam chưa đạt chiều cao chuẩn. (Ảnh: Internet)
1/3 trẻ em Việt Nam chưa đạt chiều cao chuẩn. (Ảnh: Internet)

Theo thống kê, hiện Việt Nam vẫn còn một phần ba trẻ em Việt Nam vẫn chưa đạt chiều cao theo chuẩn nhưng tỉ lệ thấp còi do suy dinh dưỡng cũng đã có xu hướng giảm. Ba năm qua, Chương trình chung đã giúp cải thiện tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) ở 6 tỉnh trọng điểm, đồng thời tổ chức một số hoạt động với người nông dân nhằm tăng khả năng cung cấp các loại thực phẩm an toàn, có chất lượng.
 
Tại các Bệnh viện Bạn hữu trẻ em được đến thăm trong phạm vi đánh giá cuối cùng, tỉ lệ cho con bú sớm, theo báo cáo, đã tăng từ 70,5% lên 97%. Các nhóm NCBSM dựa vào thôn, bản được thành lập tại một số địa bàn tỉnh An Giang cũng có tỉ lệ cho con bú tăng từ 80% lên 92%, trong đó, tỉ lệ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng từ 0 lên 12%.

Ở cấp quốc gia, vận động chính sách thành công đã giúp kéo dài chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng, được thông qua trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 và bắt đầu đi vào thực hiện từ 1/2013. Nhằm bảo vệ hơn nữa quyền NCBSM của bà mẹ và trẻ em, Luật Quảng cáo 2012 đã ban hành điều khoản cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các sản phẩm có liên quan cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và bắt đầu có hiệu lực từ 1/2013.

Thông qua Chương trình chung, Hệ thống Giám sát dinh dưỡng Quốc gia đã được cải thiện đáng kể, sử dụng các chỉ số được quốc tế khuyến khích và các số liệu phân tổ theo vị trí địa lý, dân tộc, giới và tình hình kinh tế - xã hội nhằm ưu tiên các khu vực cần sự hỗ trợ nhất. 

Phạm Thanh