3 phương pháp giúp điều trị ung thư hậu môn
(Dân trí) - Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị đột biến, phát triển không kiểm soát tạo nên các khối u.
Hậu môn là bộ phận cuối cùng trong hệ thống đường tiêu hóa, tiếp nối với trực tràng. Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị đột biến, phát triển không kiểm soát tạo nên các khối u.
Theo Bệnh viện K, hậu môn được cấu tạo bởi nhiều loại tế bào khác nhau, các tế bào này đều có thể trở nên ác tính. Có 5 type ung thư hậu môn được phân loại dựa trên 5 loại tế bào khác nhau:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Hay gặp nhất
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (cloacogenic carcinoma): Chiếm 25%, khối u xuất phát từ những tế bào gần tương tự như tế bào vảy.
- Ung thư biểu mô tuyến.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: Là một dạng của ung thư da xuất hiện tại vùng da xung quanh hậu môn.
- Ung thư hắc tố Melanoma.
Triệu chứng của ung thư hậu môn
Triệu chứng ung thư hậu môn giai đoạn đầu thường không rõ ràng và không đặc hiệu. Bệnh nhân ung thư hậu môn có thể mắc các triệu chứng sau:
- Chảy máu hậu môn: Máu thường đỏ tươi, có thể là rỉ máu đỏ tươi ra giấy vệ sinh
- Đau vùng ống hậu môn: Cảm giác đau tức nặng ở vùng hậu môn
- Ngứa và chảy dịch từ ống hậu môn: Có thể là dịch chứa máu hoặc dịch mùi hôi.
- Nổi khối hoặc sưng phồng vùng xung quanh lỗ hậu môn.
- Rối loạn tiêu hóa: Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Thay đổi khuôn phân.
Các biện pháp điều trị ung thư hậu môn
Điều trị ung thư hậu môn hiện nay có 3 phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào các yếu tố:
- Loại ung thư hậu môn, giai đoạn bệnh.
- Cân nhắc các biến chứng hay tác dụng phụ của điều trị.
- Lựa chọn của bệnh nhân.
- Thể trạng bệnh nhân.
Phẫu thuật
Giai đoạn sớm (1,2): Cắt bỏ khối u hậu môn và một số tổ chức xung quanh. Bệnh nhân được theo dõi định kỳ sau đó.
Giai đoạn muộn (3,4): Trước kia đa số bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn muộn vẫn được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên với tiến bộ của xạ trị và hóa chất thì các bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn muộn không có chỉ định phẫu thuật mà thay bằng hóa xạ trị đồng thời.
Trường hợp khối u tiến triển hoặc tái phát bệnh nhân có thể được chỉ định làm hậu môn nhân tạo.
Xạ trị
Trong ung thư hậu môn xạ trị thường được phối hợp với hóa chất. Bệnh nhân thường được xạ trị liên tục 5 ngày/tuần trong 5-6 tuần.
Biến chứng xạ trị: mệt mỏi, phản ứng da từ nhẹ đến vừa, rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh, các kích thích hậu môn tạm thời (đỏ da, sưng phồng...).
Hóa trị
Trong điều trị ung thư hậu môn phác đồ hóa chất thường kết hợp nhiều thuốc. Bệnh nhân HIV mắc ung thư hậu môn cần dùng liều thấp hơn phụ thuộc và hệ miễn dịch của bệnh nhân.
Tác dụng phụ của hóa chất bao gồm: mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy, chán ăn.