3 lưu ý sức khỏe khi du xuân

(Dân trí) - Một số lưu ý về sức khỏe, ăn uống mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo dưới đây sẽ giúp chuyên “vi hành” đầu xuân của gia đình trọn vẹn hơn.

Hãy chọn món ăn tươi
3 lưu ý sức khỏe khi du xuân - 1

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi bệnh viện Bạch Mai, các điểm thăm quan ngày Tết thường quá tải bởi lượng người đổ về rất đông. Vì thế, khi ăn uống tại các điểm tham quan này phải rất lưu ý. Vì chính sự quá tải của các khu du lịch chính là nguy cơ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn. “Sự quá tải của khu du lịch làm tăng quá tải tại các quán xá khiến việc phục vụ cũng không còn được tốt. Một quán ăn lẽ ra ngày phục vụ được 50 người, nay số lượng khách tăng đột ngột, gấp 2-3 lần thì bát đĩa, thìa đũa cũng khó đảm bảo sạch sẽ như ngày thường.

Chưa kể, thực phẩm tại nhà hàng, việc bảo quản quá nhiều đồ ăn cũng có thể khiến nguồn thực phẩm không còn được đảm bảo. Vì thế, đi ăn uống ở nhà hàng, quán xá tại những khu du lịch này, hãy chọn món ăn tươi, như món cá (chọn cá sống đợi chế biến), nên chọn các loại rau củ (rau lá, việc rửa khó đảm bảo vệ sinh), chọn đồ luộc, không ăn các đồ xào nấu, hầm… bởi đặc thù món luộc nếu thức ăn để lưu trữ lâu ngày rất dễ nhận thấy bằng cảm nhận như nhìn màu sắc không tự nhiên, mùi vị không thơm mới. Còn với những món xào, nướng, hầm thì việc tẩm nhiều các loại gia vị sẽ khiến chúng ta không thể nhận biết được thực phẩm mới hay cũ.

Hãy chú ý đến món ăn vặt của bé, nhất là các hàng ăn bán răng tại các điểm vui chơi, công viên. Như món xúc xích nướng khoái khẩu của phần lớn trẻ em, nhìn chúng được nướng trong các lò nướng, ai cũng chắc mẩm sạch sẽ và an toàn vì nướng chín. Nhưng nên nhớ, có quá nhiều nguy cơ nếu xúc xích đó không được bảo quản tốt. Nguyên tắc của xúc xích phải giữ đông, trước khi dùng mới bỏ ra giã đông. Còn tại những quán rong này, vài chục túi xúc xích được mang theo từ sáng sớm, việc bảo quản không đúng tiêu chuẩn có thể khiến chúng bị nhiễm khuẩn, ăn vào dễ bị đi ngoài, đau bụng.

Món mới: Thử tí một

Đi du lịch khỏi vùng miền nơi mình sinh sống, ai cũng có tâm trạng háo hức được thưởng thức món đặc sản nơi mình đến. Nhưng hãy cẩn trọng, món đặc sản dù rất phổ biến ở địa phương đó, mọi người ăn an toàn nhưng rơi vào mình lại có chuyện. Bởi bộ tiêu hóa của mình chưa từng tiếp nhận nguồn thực phẩm lạ đó.

Như đợt nghỉ hè 2011 của một công ty truyền thông ở Hà Nội, tất cả mọi người đều ăn cùng món ăn tại Quảng Bình, nấu theo vị hơi chua cay. Đoàn hơn 10 người ăn, mọi người đều ổn, chỉ riêng một chị đang nuôi con nhỏ 18 tháng sau ăn 3 tiếng thì đau bụng quằn quại, lúc đầu ngỡ đau dạ dày vì cay, chua nhưng một lúc sau thì đi ngoài liên tục, đến mức phải nhập bệnh viện Việt Nam-Cu Ba để truyền nước.

“Nói đến tình huống này để tôi muốn cảnh báo cho mọi người nguy cơ ngộ độc thức ăn rất hay gặp khi đi du lịch, đặc biệt là trẻ con. Cùng là món ăn đó, có người ăn ổn, có người sẽ bị đau bụng. Nhiều người lớn thử đồ ăn thấy bụng dạ yên ổn liền cho bé ăn. Và thế là gây hậu quả, trẻ nhỏ bụng dạ yếu hơn, nên có thể cùng ăn một loại thức ăn, trẻ con bị ngộ độc, người lớn không bị do sức đề kháng của trẻ em kém. Vì thế, với món ăn mới, ngay cả người lớn cũng chỉ nên thử một tí. Sau một ngày thấy ổn thì hôm sau có thể gọi ăn tiếp. Và với con trẻ thì càng phải thận trọng hơn”, TS Dũng cảnh báo.

Nguyên tắc “nóng cởi, rét mặc”

Đây là một điều rất đơn giản nhưng ít người đủ kiên nhẫn để thực hiện. Trời mùa đông có một đặc thù, đi ngoài đường lạnh cóng, còn trong nhà lại khá ấm áp vì kín gió. Trong khi đó, ngày Tết đi thăm họ hàng, đi đường rét các bé được đội mũ áo ấm áp. Nhưng vào nhà chơi lại rất ngại cởi bởi người lớn chỉ ngồi nói chuyện 5 – 10 phút, chúc nhau năm mới sức khỏe, phát tài rồi lại đi sang nhà khác.

Chỉ 5 - 10 phút ít ỏi đó, nhưng trẻ rất dễ bị lạnh vì… quá nóng. Mồ hôi ướt áo, nhất là phần lưng thấm ngược trở lại, dễ khiến trẻ bị viêm phổi. Theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, điều này rất phổ biến ở vùng nông thôn do đặc thù nhà họ hàng, lối xóm gần nhau, nên người lớn rất ngại vừa cởi đồ cho con xong lại mặc để đi đường.

Còn khi cho trẻ đi đường, cần lưu ý dù chỉ quãng đường ngắn cũng cần cho trẻ mặc đủ ấm, có mũ, kính, khẩu trang, chỉ nên đi với tốc độ vừa phải và luôn phải lưu ý xem bé có bị ủ quá kỹ phần đầu mặt khiến khó thở không.

Trẻ cần mặc đủ ấm nhưng cũng cần phòng cảm lạnh do ra quá nhiều mồ hôi. Lau mồ hôi, thay quần áo ngay khi trẻ lỡ tè dầm.

Hãy luôn mang theo một ba lô nhỏ đựng đồ của bé, từ khăn tay lau mồ hôi đến chiếc áo mặc trong bằng chất liệu cotton, áo khoác mỏng, áo len mỏng… để dễ dàng thay đồ cho bé khi thời tiết có biến chuyển từ lạnh sang ấm… Chăm sóc trẻ nhỏ với những công việc rất tủn mủn nhưng lại quan trọng để phòng bệnh.

Và khi bé có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như ho, xổ mũi, sốt… thì hãy đưa bé đi khám. “Hãy bỏ ngay tâm lý sợ kém may mắn khi đầu năm đã phải đi viện. Nhiều gia đình vì tâm lý này, con ốm vẫn không đưa đi khám dẫn đến bệnh nặng khó thở, khò khè, đờm dãi ứ nghẹt, mệt lả; có trẻ sốt cao, co giật… mới đưa tới viện rất nguy hiểm.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm