3 hiểu lầm về mụn cám
(Dân trí) - Mụn cám rất thường gặp trong độ tuổi dậy thì. Nhưng do hiểu không đúng về hiện tượng này nên không thể “chế ngự” được chúng.
1. Mụn cám là biểu hiện của dậy thì
Không đúng. Nếu không được chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, điều trị tốt thì đến tận tuổi trung niên, thậm chí đến 50 - 60 tuổi vẫn có thể bị mụn này.
2. “Thủ phạm” là chất dầu và vệ sinh kém
Mụn hình thành từ nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp nhất là do thể chất, cơ địa, không liên quan quá nhiều đến vấn đề vệ sinh da.
Mụn đầu đen là do không khí tiếp xúc với nhân mụn, gây ra tình trạng ô xy hoá mà hình thành nên màu đen chứ không phải do “bẩn”. Vì vậy, những ai hi vọng thông qua rửa mặt thường xuyên để “bài trừ” mụn là không “thực tế”.
3. Chỉ có thể “giải quyết” bằng cách nặn
Nặn mụn, hút mụn.... chỉ có thể làm cho bạn “an tâm” được vài ngày, bởi vì những biện pháp đó đều là tạm thời, không bao lâu sau thì mụn lại “nổi” lên ở ngay chỗ cũ bạn vừa nặn.
Mụn cám có thể chữa được bằng các sản phẩm điều trị mụn. Trước hết, khi có mụn cám, người bệnh nên rửa mặt bằng các sản phẩm gel cho da nhờn và da dễ nhạy cảm. Sản phẩm không nên có xà phòng, dễ làm cho da bị khô và dị ứng.
Tiếp theo, dùng các lotion làm sạch thoáng và chống bóng nhờn. Và cuối cùng bôi kem trị mụn cám. Trong kem trị mụn này có một số hoạt chất làm chống sừng hóa cổ nang lông tuyến bã, giảm bài tiết nhờn và diệt vi khuẩn gây mụn, một số sản phẩm còn có hoạt chất tái tạo da, chống sẹo do mụn gây nên.
Điều trị mụn còn phải kết hợp với vệ sinh tại chỗ (có nơi mụn), toàn thân, chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, không thức quá khuya, chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng và các sinh tố. Buổi tối và sáng, dành ít phút mát xa da mặt cũng rất tốt, giúp cho da được tập thể dục, bài tiết các chất bã nhờn ra ngoài, các mạch máu dưới da được lưu thông và nuôi dưỡng da tốt hơn.