3 em nhỏ bỏng cồn trong giờ học dạy chống cháy nổ phải ghép da

(Dân trí) - 3 em nhỏ bị bỏng cồn trong giờ học chống cháy nổ tại trường mầm non ở Hà Nam hiện đã qua giai đoạn sốc. Tuy nhiên, 2/3 em sẽ phải trải qua quá trình phẫu thuật để ghép da.

Trước đó ngày 9/8, tai nạn xảy ra tại lớp mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ), khi cô giáo đốt cồn dạy kỹ   kỹ năng phòng chống cháy nổ đã khiến 3 em nhỏ bị bỏng.

3 bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia, gồm bé P.G.K (nam, SN 2015), N.N.H. L. (nữ, SN 2014). N.A. T. (nữ, SN 2016) đều trong tình trạng sốc bỏng nặng với diện tích bỏng lên đến 50 - 60% diện tích cơ thể.

3 em nhỏ bỏng cồn trong giờ học dạy chống cháy nổ phải ghép da - 1

Tại thời điểm nhập viện, các bệnh nhân đều trong tình trạng sốc bỏng, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ chống sốc bằng truyền dịch, giảm đau, an thần, thở oxy hỗ trợ; đồng thời xử lý vết thương kỳ đầu, được theo dõi chặt tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, đến nay các bệnh nhi đã thoát sốc và vẫn đang được điều trị tích cực để chống nhiễm khuẩn.

 Các bác sĩ cho biết trong 3 trẻ, có một cháu có vết thương tạm ổn định, chưa cần ghép da ngay. Hai bệnh nhi còn lại được cắt lọc vùng da hoại tử sau bỏng để sớm để ghép da. Việc ghép da được thực hiện sớm sẽ che phủ được các vùng tổn thương, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

Được biết trong giờ học kỹ năng chống cháy nổ cho các cháu mầm non, tai nạn xảy ra khi cô giáo thêm cồn vào mâm.

Tại Viện Bỏng Quốc gia, dù cồn không được sử dụng thường xuyên, nhưng tỉ lệ ca bỏng do cồn luôn gấp đôi so với bỏng ga. Hầu hết các ca tai nạn bỏng cồn thường xảy ra khi thêm cồn vào bát/đĩa do người thêm cồn quan sát bằng mắt, tưởng cồn đã tắt.

"Khi  cồn cháy tạo thành ánh sáng xanh, nếu đốt cồn ban ngày, ở nơi nhiều ánh sáng rất khó để phát hiện lửa đã tắt hoàn toàn chưa. Các ca tai nạn đều xảy ra, do bệnh nhân nghĩ lửa đã tắt, đổ cồn vào khiến lửa bắt vào, cuống quá họ hất ngay chai cồn bắn tung tóe ra những người xung qua, bám vào quần áo, bốc cháy và gây bỏng. Tình huống này gặp phổ biến nhất, gần như 100%”, bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia cho biết.

Các vết bỏng do cồn gây ra thường gồm bỏng sâu, bỏng nông xen kẽ. Với vết bỏng nông sau khi khỏi thường để lại những rối loạn sắc tố da kéo dài, còn bỏng sâu để lại di chứng sẹo bỏng, ảnh hưởng thẩm mỹ, chắc năng như tay bị co dúm…

Nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng cồn cũng như các bỏng nhiệt khác, đó là ngay lập tức dập lửa, cởi quần áo cháy, sau đó ngâm vùng bị bỏng vào nước mát từ 16 – 20 độ C. Lưu ý dùng nước máy, nước giếng, nước lọc thông thường, không sử dụng nước lạnh, nước đá trong tủ lạnh.

"Việc ngâm nước mát vùng da bị bỏng sẽ có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt độ của tác nhân gây bỏng và chống rối loạn vi tuần toàn tại chỗ, giúp người bệnh đỡ rát nơi bỏng, vết bỏng đỡ sâu do nhiệt độ tác nhân gây bỏng nhanh chóng được hạ, làm mát. Sau đó, mới dùng băng sạch, băng ép nhẹ vết thương lại để không hình thành nốt phỏng bỏng rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất", chuyên gia Viện Bỏng Quốc gia cho biết..

 Đặc biệt với lửa cồn cần chú ý nguy cơ bỏng hô hấp, nhất là khi bị cồn bám vào vùng mạt gây cháy long mũi, lông mi. Đây là loại bỏng rất nguy hiểm, ngay khi bị cháy vùng mặt cần đưa bệnh nhân đến sở y tế khẩn trương, bởi khi bệnh nhân đã nói khàn cho thấy dấu hiệu bỏng hô hấp sẽ rất nguy hiểm, bệnh nhân phù nề đường thở khiến không thở được.

Hồng Hải