1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thoát cảnh mù suốt gần 20 năm, người phụ nữ xúc động ôm chầm ân nhân

Hồng Hải

(Dân trí) - Năm 12 tuổi, chị Tô Thị Thắm bị bệnh lý giác mạc, nhìn lờ mờ. Suốt gần 20 năm, ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, chị gần như không dám ra khỏi nhà, rồi phép màu đã đến, mang lại cho chị ánh sáng.

Cuộc đời thay đổi hoàn toàn nhờ nhìn thấy ánh sáng

Sáng 5/1, có mặt tại "Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc" tại Kim Sơn, Ninh Bình do Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn tổ chức, chị Tô Thị Thắm (Yên Khánh, Ninh Bình) xúc động ôm chầm lấy chị và con gái của người đàn ông đã hiến giác mạc cho mình.

"Với mình, gia đình anh ấy cũng như gia đình mình vậy. Anh ấy không may mất đi, nhưng đã để lại giác mạc để giúp mình nhìn thấy ánh sáng", chị Thắm chia sẻ. 

Thoát cảnh mù suốt gần 20 năm, người phụ nữ xúc động ôm chầm ân nhân - 1

Chị Thắm (ở giữa) xúc động khi gặp lại chị và con của người đàn ông đã hiến giác mạc cho mình (Ảnh: Hồng Hải).

Chị Thắm cho biết, từ năm 12 tuổi, chị mắc bệnh lý giác mạc và gần như không còn nhìn thấy gì. Bị bệnh, chị buộc phải nghỉ học, co mình lại vì tự ti. Chị kể, hầu như cả năm chị không ra khỏi cổng nhà.

Đến năm 2019, khi đã gần 30 tuổi, chị được hiến giác mạc một bên mắt. Lúc đầu bác sĩ giải thích mổ ghép giác mạc giúp tìm lại ánh sáng, chị khấp khởi, hi vọng nhưng cũng hoang mang, không biết mình có nhìn lại được không.

Thoát cảnh mù suốt gần 20 năm, người phụ nữ xúc động ôm chầm ân nhân - 2

Chị Thắm ôm chầm vợ của người đàn ông đã hiến giác mạc cho mình (Ảnh: Hồng Hải).

"Khi bác sĩ gỡ băng mắt, đập vào mắt là số hiệu giường của phòng bệnh, rõ nét, tôi vỡ òa. Tôi thậm chí không dám tin mình nhìn lại được sau từng ấy năm. Rồi đến năm 2020, tôi được ghép giác mạc mắt còn lại. Cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn, từ chỗ chỉ quanh quẩn trong nhà, nay tôi có thể đi xe máy, đi làm...", chị Thắm chia sẻ.

Gần 1.000 người đã hiến giác mạc

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, chị Thắm là một trong hàng nghìn bệnh nhân được ghép giác mạc, tìm lại được ánh sáng, nhờ nguồn hiến giác mạc trong cộng đồng.

Nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc, từ năm 2007, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức thường xuyên hoạt động tôn vinh này.

Theo PGS Hưng, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại Kim Sơn, Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời năm 2007 đã mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng.

"Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại Ninh Bình có 437 người hiến, với 417 trường hợp ở huyện Kim Sơn. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng", PGS Hưng thông tin.

Điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã được nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh. 

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự tri ân đến những người dân đã hiến giác mạc giúp người mù lòa tìm lại ánh sáng.

"Công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền", GS Thuấn nói.

Thoát cảnh mù suốt gần 20 năm, người phụ nữ xúc động ôm chầm ân nhân - 3

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi người dân đăng kí hiến giác mạc, mô tạng tại Kim Sơn, Ninh Bình (Ảnh: Hồng Hải).

Theo Thứ trưởng, sinh có hạn, tử bất kỳ. Vì vậy, những cộng tác viên ngân hàng mắt đã làm việc bất kể ngày đêm, trời rét hay lúc mưa gió, để nắm được thông tin về người hiến và thông báo cho ngân hàng mắt. Ngân hàng mắt đã thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến và gia đình trao tặng.

Các vị Linh mục đã chú ý giới thiệu với bà con trong vùng về ý nghĩa của việc hiến giác mạc đối với cộng đồng, vận động bà con hiến giác mạc. Hội chữ Thập đỏ đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường để các hội viên hiểu thêm và tham gia vận động hiến tặng giác mạc. Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện, xã, thôn xóm ở Ninh Bình luôn ủng hộ cho hoạt động mang đầy tính nhân văn này.

Thoát cảnh mù suốt gần 20 năm, người phụ nữ xúc động ôm chầm ân nhân - 4

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 4 tập thể và 5 gia đình có người hiến giác mạc tiêu biểu (Ảnh: Hồng Hải).

"Nếu như trong cả nước có nhiều Kim Sơn hơn nữa thì chắc chắn, nhiều người đã được nhìn thấy ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với nhiều gia đình của chúng ta. Xin cảm ơn tất cả các quý vị đã đóng góp công sức của mình để đem lại sức khỏe, ánh sáng, niềm vui cho người bệnh", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Cũng nhân dịp này, 4 tập thể và 5 gia đình có người hiến giác mạc tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 39 gia đình được nhận giấy "Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp"; 20 cộng tác viên xuất sắc trong phong trào được biểu dương, khen thưởng.

30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc

Việt Nam có khoảng 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Từ tháng 5/2009, Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, với những nhiệm vụ chức năng chính: Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến tặng giác mạc; thu nhận, đánh giá, bảo quản, điều phối giác mạc...