1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

2 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch "vượt cửa tử" sau nhiều tuần chạy ECMO

Minh Nhật

(Dân trí) - Hai bệnh nhân nguy kịch phải can thiệp ECMO đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cứu sống thành công.

Trường hợp thứ nhất là bà N.T.B., 65 tuổi, có địa chỉ tại Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang. Bệnh nhân có tiền sử bướu giáp đa nhân đã phẫu thuật. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ được cách ly và phát hiện dương tính ngày 23/5. Ngày 29/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ngày 2/6, bệnh nhân tiến triển nặng, để đảm bảo duy trì chức năng sống cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã can thiệp ECMO cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân nhập ICU trong tình trạng thở máy qua nội khí quản, duy trì ECMO, phổi thông khí 2 bên giảm, chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng, rối loạn tăng đông nặng nề.

Bệnh nhân được thở máy thông số tối ưu trong ARDS kết hợp duy trì hệ thống ECMO, điều trị chống đông máu, bội nhiễm phổi, bổ sung máu và chế phẩm máu, kết hợp chăm sóc toàn diện tích cực.

Ngày 5/6, bệnh nhân vẫn trong tình trạng suy hô hấp cấp nặng nề, bác sĩ chỉ định lọc máu hấp phụ độc tố Cytokines lần thứ nhất. Đến ngày 10/6, sau 3 lần lọc máu hấp phụ độc tố, bệnh nhân vẫn chưa có tiến triển khá lên, chức năng phổi xấu trầm trọng, các bác sĩ chỉ định lọc máu lần thứ 4.

Sau 11 ngày thở máy, ECMO và chăm sóc tích cực tại đơn vị ICU, nhưng chức năng phổi của bệnh nhân chậm hồi phục, tiên lượng thở máy kéo dài, bác sĩ chỉ định mở khí quản tại giường, chăm sóc hô hấp.

Đến ngày 17/6, bệnh nhân đã có tiến triển tốt hơn, chức năng phổi cải thiện, bác sĩ tiến hành cai và kết thúc ECMO thành công.

2 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vượt cửa tử sau nhiều tuần chạy ECMO - 1

Bệnh nhân từng diễn biến nguy kịch trong thời gian điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Ảnh: BVCC).

Sau kết thúc ECMO, bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, các chức năng sống tạm thời ổn định, nhưng do thể trạng suy kiệt, ăn sữa qua ống thông chậm tiêu, bác sĩ đã chỉ định dinh dưỡng bổ trợ đường tĩnh mạch, kết hợp các vận động trị liệu phục hồi chức năng tại giường.

Đến ngày 6/7, bệnh nhân có chuyển biến rõ rệt, cơ lực khá hơn, bác sĩ đã chuyển máy thở về chế độ tự thở một phần, các xét nghiệm nhiễm trùng trong giới hạn bình thường, bệnh nhân được ngừng toàn bộ kháng sinh, chăm sóc hô hấp tích cực.

Ngày 2/8, sau 78 ngày điều trị tại đơn vị ICU, bệnh nhân đã ổn định về dấu hiệu sống, còn duy trì thở máy với chế độ hỗ trợ một phần, sau 3 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, bệnh nhân được chuyển tuyến cơ sở để theo dõi và điều trị tiếp.

Trường hợp còn lại là chị H.T.H., 37 tuổi, địa chỉ tại Lục Ngạn, Bắc Giang.

Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ được cách ly từ 12/5, có biểu hiện triệu chứng từ 18/5, bệnh nhân được nhập Bệnh viện Phổi Bắc Giang, được can thiệp chăm sóc tích cực, bệnh nhân không đáp ứng với thở oxy, phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu, ECMO. Do tiên lượng bệnh rất nặng, cần can thiệp tích cực trong thời gian dài, bệnh nhân được chuyển đến ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.

Ngày 30/6, bệnh nhân nhập ICU trong tình trạng duy trì thuốc an thần, nhiễm trùng rõ, thể trạng suy dinh dưỡng mức độ vừa, phù toàn thân, da niêm mạc nhợt, huyết sắc tố giảm.

Ngay sau khi nhập khoa, bệnh nhân được thăm khám, đánh giá tổng thể, thiết lập máy thở với chế độ tối ưu trong ARDS, duy trì hệ thống ECMO, kết hợp lọc máu hấp phụ độc tố Cytokines lần thứ nhất.

Do dấu hiệu thiếu máu khá nặng, bệnh nhân phải truyền máu cấp cứu. Với thể trạng suy kiệt và tình trạng nhiễm trùng nặng, bác sĩ đã chỉ định truyền imunoglobin tăng cường miễn dịch theo phác đồ.

Sau 4 ngày nhập khoa, tình trạng bệnh nhân chưa có tiến triển khá hơn, hình ảnh phim chụp X-Quang phổi có tổn thương lan tỏa toàn bộ hai phổi, thông khí phổi giảm cả hai bên. Bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu hấp phụ Cytokines lần thứ hai và thứ ba liên tiếp. Kết hợp chăm sóc toàn diện tích cực, theo dõi sát sao từng diễn biến của bệnh nhân, đánh giá các xét nghiệm hàng ngày để điều chỉnh kịp thời các rối loạn của người bệnh trong giai đoạn nguy kịch.

Sau 14 ngày chạy ECMO, những tổn thương phổi của bệnh nhân dần hồi phục, chức năng phổi tốt lên, bác sĩ đã cai ECMO và kết thúc hệ thống ECMO thành công. Sau khi kết thúc ECMO, bệnh nhân được đánh giá cơ lực, tập phục hồi chức năng, kết hợp dinh dưỡng đường tĩnh mạch với nuôi dưỡng qua ống thông để nâng cao thể trạng.

Đến ngày 1/8, bác sĩ tiến hành tập cho bệnh nhân cai máy thở và rút ống thở thành công, chuyển thở oxy qua kính mũi.

Ngày 2/8, bệnh nhân có đủ xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, toàn trạng ổn định, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch. Bác sĩ cho bệnh nhân chuyển tuyến cơ sở để điều trị và theo dõi tiếp.

Nhận định về hai ca bệnh này, bác sĩ điều trị Đặng Văn Dương cho biết: "Đây là 2 ca bệnh rất nặng, từng nguy kịch tính mạng, hiện đã ổn định dấu hiệu sống. Trong thời gian điều trị tại ICU chúng tôi đã áp dụng kĩ thuật tiên tiến nhất, kết hợp chăm sóc tích cực để sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp. Cả hai bệnh nhân đều tổn thương phổi nặng nề, nên quá trình hồi phục khá chậm".

Hiện Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 26 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có 22 ca thở máy và 5 ca ECMO.