2 bệnh lý hàng đầu đe dọa sức khỏe hàng triệu người Việt

Nam Phương

(Dân trí) - Hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tăng huyết áp được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì bệnh thường xảy ra mà không có triệu chứng gì.

Sáng 14/8, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp Trung tâm Y tế quận Tây Hồ tổ chức khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (đợt 1). Chương trình diễn ra trong 3 ngày 14-16/8. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết, hiện nay số lượt khám bệnh, số bệnh nhân quản lý tại hệ thống y tế cơ sở nhiều nhưng nguồn thu rất thấp. 

2 bệnh lý hàng đầu đe dọa sức khỏe hàng triệu người Việt - 1

Nhiều người Việt bị đái tháo đường mà không hề hay biết (Ảnh minh họa: N.P).

"Vấn đề là khi triển khai khám chữa bệnh làm sao chúng ta thực hiện tốt việc quản lý bệnh nhân khám ban đầu. Quan trọng nhất là chúng ta phải có bệnh nhân "trung thành", ở đây là những người bệnh mãn tính", TS Hưng nói. 

Ông lấy ví dụ, một trung tâm y tế quản lý khoảng 10.000 bệnh nhân mãn tính, trung bình mỗi tháng khám một lần sẽ là 10.000 lượt khám. Như vậy, chia trung bình 22 ngày mỗi ngày trung tâm khám 400 bệnh nhân. Đây là con số rất lớn. 

Vì thế, ông đánh giá khóa học hôm nay rất thiết thực nhằm chuyển giao công nghệ, quy trình khám, quản lý bệnh nhân mãn tính với 2 bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, 2 bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Bệnh không lây nhiễm - bài toán khó với ngành y tế

Hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp. Trong đó còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh. 

Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gia tăng rất nhanh. Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%. Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường. 

2 bệnh lý hàng đầu đe dọa sức khỏe hàng triệu người Việt - 2

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: Duy Tuân).

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì, chính vì vậy mà nó được gọi là "kẻ giết người thầm lặng". 

"Tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim… Nguy hiểm hơn không phải lúc nào người bệnh cũng có các triệu chứng báo trước như đau đầu, chóng mặt…, nên nhiều người không biết mình đang mắc bệnh", TS Hiền nói. 

Bên cạnh đó, đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt ở người trẻ và trẻ em trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Bệnh gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, thần kinh. 

Theo ông, bệnh không lây nhiễm ngày nay là bài toán khó với ngành y tế. Theo thống kê, chỉ có khoảng 43% số người bị tăng huyết áp và 31% số người bị đái tháo đường huyết từng được phát hiện bệnh. Số người bệnh không được phát hiện, quản lý rất lớn. 

Vì thế, khóa đào tạo này nhằm góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, xử lý các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho các nhân viên thuộc các trung tâm y tế của TP. 

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, với đặc điểm tăng glucose máu do khiếm khuyết về tiết insulin hoặc do rối loạn tác động của insulin hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide. Tình trạng này gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. 

Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi. Tuy nhiên, có tới 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực.