1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

14 địa phương có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Ngày 8/4, Thái nguyên và Quảng Ninh là tỉnh thứ 13 và 14 có tên trên “bản đồ” dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Theo cảnh báo từ cơ quanY tế, dịch bệnh rất có khả năng sẽ vào đến các tỉnh phía Nam.

Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đã có bệnh nhân đầu tiên trong tỉnh nhiễn khuẩn phẩy tả. Đây là lần đầu tiên tỉnh xuất hiện dịch bệnh này. Hiện cán bộ y tế đã tiến hành các biện pháp khử độc tiêu trùng nơi ở, cách ly bệnh nhân và cho người có liên quan, chăm sóc người bệnh uống thuốc dự phòng.

2 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên tại Quảng Ninh được xác định vào ngày 6/4. Kết quả xét nghiệm ban đầu tại bệnh viện tỉnh cho thấy dương tính với khuẩn phẩy tả. Tuy nhiên, Sở Y tế Quảng Ninh đang đợi kết quả chính thức của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

 

Trong hai ca bệnh nghi ngờ này, có một trường hợp tương tự như với bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm ở Quảng Bình, đó là mang dịch từ Hà Nội về địa phương. Trước đó, bệnh nhân này sinh sống tại Hà Nội, có ăn rau sống, thịt chó, mắm tôm, sau đó về Quảng Ninh và có biểu hiện tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện điều trị.

Ngày 7/4, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cũng xác nhận: Có thêm 2 bệnh nhân ở huyện Gia Lộc và Cẩm Giàng, dương tính với phẩy khuẩn tả và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 3 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, nằm rải rác ở 3 huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc. Các bệnh nhân này đều có liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân tiêu chảy cấp, nâng tổng số người bị mắc căn bệnh này trên địa bàn lên 18 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp đã được xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả.

Như vậy, trên toàn quốc đã có 13 tỉnh xuất hiện dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó Hà Nội là thành phố có số bệnh nhân dương tính với khuẩn phẩy tả nhiều nhất.

Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cảnh báo: Đợt dịch này rất có khả năng sẽ vào đến miền Nam, do không thể kiểm soát được số người lành mang trùng bệnh tiếp tục di chuyển và thải mầm gây bệnh ra môi trường.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình dịch bệnh tiêu chảy tại các địa phương hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân có thói quen ăn uống và sinh hoạt không vệ sinh. Trong khi đó, việc buôn bán các loại thực phẩm tại chợ đầu mối, chợ tạm hiện hầu như không chấp hành quy định về VSATTP và gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng.

Nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan với dịch bệnh. Đáng lo ngại nhất là vùng nước mặt ở nhiều vùng như: Hà Nam, Hà Tây, Hà Nội... đang ô nhiễm vượt mức cho phép nhiều lần.

P. Thanh - Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm