12 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản

BSCK1 Nguyễn Xuân Kiên

(Dân trí) - Ung thư thực quản có thể gặp ở cả nam và nữ, tuy nhiên gặp ở nam giới nhiều hơn. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng khả năng mắc bệnh ung thư thực quản. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến của thực quản và số khác làm tăng khả năng bị ung thư biểu mô vảy của thực quản.

Tuy nhiên, khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư thực quản. Và một số người mắc căn bệnh này có thể không gặp bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cả. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến.

1. Tuổi - Giới

Nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản tăng theo tuổi tác. Các nhà khoa học đã thống kê dưới 15% các ca mắc ở độ tuổi dưới 55. Ngoài liên quan tuổi tác thì giới tính cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc ung thư thực quản, thường gặp ở nam giới hơn, với tỷ lệ nam: nữ là 4:1.

2. Thuốc lá và rượu bia

Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá như: thuốc lá điếu, xì gà, hút tẩu hay thuốc lá nhai là một nguy cơ chính của thư thực quản. Những người hút thuốc lá càng nhiều và hút trong một thời gian dài thì nguy cơ mắc ung thư thực quản càng cao. Mỗi ngày hút trên một bao thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư biểu mô tuyến  thực quản so với người không hút, và nguy cơ này sẽ không biến mất kể cả khi bạn đã bỏ hút thuốc lá. Còn đối với ung thư biểu mô vảy thực quản, người ta thấy rằng có mối liên quan mạnh mẽ hơn với hút thuốc lá, tuy nhiên nguy cơ này sẽ giảm xuống nếu bạn bỏ hút thuốc lá.

12 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản - 1

Sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Uống rượu bia thường xuyên và với số lượng càng nhiều thì nguy cơ ung thư thực quản càng cao. Rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vảy hơn so với ung thư biểu mô tuyến ở thực quản.

Người vừa hút thuốc lá, vừa uống nhiều rượu bia thì càng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, đặc biệt là loại ung thư biểu mô vảy.

3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Những người bị trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến. Mặc dù bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất phổ biến, nhưng thật may mắn là hầu hết những người mắc bệnh này không phát triển thành ung thư thực quản. Trào ngược cũng có thể gây ra Barrett thực quản, đây là yếu tố nguy cơ cao hơn gây nên ung thư thực quản.

4. Barrett Thực quản

Barrett thực quản là bệnh lý thường xuất hiện ở những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản lâu năm. Nếu hiện tượng trào ngược axit dạ dày vào đoạn dưới thực quản diễn ra liên tục trong thời gian dài, nó có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong của thực quản. Điều này khiến các tế bào vảy thường lót bên trong niêm mạc thực quản được thay thế bằng các tế bào biểu mô tuyến. Các tế bào tuyến này trông giống như các tế bào lót ở niêm mạc dạ dày và ruột non, chúng có khả năng chống lại axit dạ dày cao hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh Barrett thực quản.

Hầu hết những người bị Barrett thực quản đều có triệu chứng ợ chua nóng, nhưng nhiều người cũng không có triệu chứng gì. Người bị Barrett thực quản có nguy cơ cao hơn nhiều phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản so với những người không có tình trạng này. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh Barrett thì đừng quá lo lắng vì hầu hết những người bị bệnh này không hẳn tiến triển thành ung thư thực quản.

5. Béo phì

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị ung thư biểu mô tuyến thực quản. Điều này một phần cũng là do những người béo phì hoặc thừa cân thường dễ mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản.

6. Chế độ ăn

Một số chất có trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Ví dụ, đã có những kết luận dù chưa được chứng minh rõ ràng rằng chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Và như bạn thấy, ở các nước phát triển có tỷ lệ cao tiêu thụ sản phẩm chế biến sẵn từ thịt cũng có tỷ lệ cao hơn mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Ngoài ra, chế độ ăn với nhiều trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Lý do chính xác cho điều này còn chưa rõ ràng, nhưng trong trái cây và rau quả có một số vitamin và khoáng chất có thể giúp ngăn ngừa ung thư.

Việc thường xuyên sử dụng các đồ uống quá nóng (nhiệt độ trên 65 ⁰C ) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản dạng tế bào vảy. Điều này có thể là kết quả của việc các tế bào lót thực quản bị tổn thương trong một thời gian dài do chất lỏng quá nóng.

7. Hoạt động thể chất

Những người tham gia hoạt động thể chất thường xuyên có thể có ít nguy cơ bị ung thư thực quản hơn. Do đó, bạn nên thường xuyên luyện tập thể dục để giảm nguy cơ bị ung thư thực quản và cả các loại ung thư khác.

8. Co thắt tâm vị (Achalasia)

Co thắt tâm vị (Achalasia) là tình trạng rối loạn chức năng mà cơ vòng đoạn dưới thực quản không giãn mở ra hoàn toàn, làm ứ đọng thức ăn ở thực quản. Các tế bào ở niêm mạc thực quản vùng này sẽ bị kích thích do tiếp xúc với thức ăn ứ đọng lâu hơn bình thường, và sẽ có nguy cơ dẫn tới ung thư. Triệu chứng của co thắt tâm vị thường gặp như: nuốt nghẹn, nôn, ợ chua nóng, đau tức ngực, sụt cân…

Những bệnh nhân bị chứng co thắt tâm vị có nguy cơ ung thư thực quản cao hơn nhiều lần so với bình thường, và thời gian để phát hiện ung thư thực quản sau khi bị co thắt tâm vị trung bình từ 15 đến 20 năm.

9. Chứng bệnh di truyền Tylosis

Đây là bệnh di truyền hiếm gặp, bệnh biểu hiện sự tăng sinh quá mức các tế bào sừng ở bề mặt lòng gan bàn tay và bàn chân. Những người bệnh này thường phát triển các u nhú nhỏ ở lòng thực quản, có nguy cơ cao gây ung thư biểu mô vảy thực quản. Các bệnh nhân này cần được theo dõi sát sao, khám định kỳ và có thể nội soi thực quản để phát hiện sớm ung thư thực quản.

10. Hội chứng Plummer-Vinson

Đây là một hội chứng hiếm gặp, (hầu hết là gặp ở phụ nữ trung niên da trắng), biểu hiện đặc trưng là xuất hiện mạng lưới ở phần trên thực quản, thường đi kèm với thiếu máu, viêm lưỡi, khó nuốt, móng tay giòn và có thể lách to. Mạng lưới thực quản là một mảnh mô mỏng kéo dài ra từ lớp niêm mạc bên trong của thực quản gây ra một vùng hẹp. Hầu hết các mạng lưới thực quản không gây ra vấn đề gì, nhưng những lưới lớn hơn có thể khiến thức ăn mắc kẹt trong thực quản, dẫn đến khó nuốt và kích ứng mãn tính ở khu vực đó. Khoảng 1/10 người mắc hội chứng này cuối cùng phát triển thành ung thư tế bào vảy của thực quản hoặc ung thư  hạ họng.

11. Tổn thương thực quản

Vô tình uống phải chất tẩy rửa làm từ dung dịch kiềm có thể gây bỏng hóa chất ở thực quản một cách nghiêm trọng. Khi tổn thương lành, các mô sẹo có thể khiến thực quản bị hẹp lại. Những người này có nguy cơ cao bị bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy ở thực quản, thường xảy ra nhiều năm (thậm chí nhiều thập kỷ) sau đó.

12. Nhiễm virus u nhú ở người (HPV)

HPV (Human papilloma virus) là một nhóm gồm hơn 100 loại virus liên quan. Chúng được gọi là vi rút u nhú vì một số trong số chúng gây ra một loại u phát triển gọi là u nhú (hoặc mụn cơm). Nhiễm một số loại HPV được cho là có liên quan đến một số bệnh ung thư, như: ung thư họng miệng, ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung.

12 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản - 2

Hình ảnh u nhú do nhiễm virus HPV ở thực quản trên nội soi.

Nhiễm HPV đã được tìm thấy ở 1/3 số ca ung thư thực quản ở khu vực châu Á và Nam Phi. Tuy nhiên, nhiễm HPV không được tìm thấy từ các bệnh nhân ung thư thực quản ở các khu vực khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. HPV là một nguyên nhân hiếm gặp của ung thư thực quản.

Ung thư thực quản có thể dự phòng nếu chúng ta phòng tránh được các yếu tố nguy cơ nói trên. Bên cạnh đó các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nên đi nội soi dạ dày thực quản định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư thực quản.