1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

12 triệu người sống trong vùng lưu hành, sốt rét nguy cơ bùng phát

(Dân trí) - Sự chủ quan của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh đang khiến sốt rét gia tăng trở lại ở nhiều địa phương. Ký sinh trùng kháng thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề điều trị tiền căn không đạt hiệu quả làm cho bệnh sốt rét tồn tại dai dẳng, phức tạp nhiều nơi.

Kết hợp phòng chống sốt rét với hoạt động hỗ trợ cộng đồng

Nguy cơ sốt rét bùng phát trở lại nếu lơ là phòng chống

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mặc dù bệnh sốt rét đã được cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng hiện nay trên toàn cầu vẫn còn 3,2 tỷ người trên 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ mắc sốt rét. Đến nay đã có 219 triệu người mắc sốt rét trong đó 435 nghìn người tử vong do sốt rét chủ yếu xảy ra ở trẻ em.

12 triệu người sống trong vùng lưu hành, sốt rét nguy cơ bùng phát - 1

Sốt rét đang lưu hành trên diện rộng, cộng đồng cần tăng cường các biện pháp dự phòng

Tại Việt Nam, sốt rét đang dần được khống chế, thu hẹp được phạm vi lưu hành. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có gần 30.000 người mắc bệnh, khoảng 10 ca tử vong, hiên cả nước có khoảng 12 triệu người đang sống trong vùng sốt rét lưu hành đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Sốt rét vẫn là mối đe dọa và có thể bùng phát trở lại. Dự báo, tình hình sốt rét tại Việt Nam những năm tới có thể diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh sốt rét bùng phát tăng số mắc, số chết và tử vong.

Trong buổi lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét (25/4) diễn ra tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, TS Phùng Đức Truyền, Phó viện Trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM (trực thuộc Bộ Y tế) cho hay: “Sốt rét là bệnh liên quan trực tiếp đến đời sống và đói nghèo, bệnh đang lưu hành tại nhiều địa phương trong đó khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ là điểm nóng”.

12 triệu người sống trong vùng lưu hành, sốt rét nguy cơ bùng phát - 2

Sự nghèo khó và nhận thức hạn chế từ cộng đồng khiến cuộc chiến với sốt rét trở nên khó khăn

TS.BS Quách Ái Đức, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho hay: “Với đặc thù là tỉnh có biên giới với nước bạn Campuchia, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế còn khó khăn, người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy nên nguy cơ mắc bệnh sốt rét luôn ở mức cao. Mặt khác, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng còn hạn chế, nhiều người mắc bệnh không đi bác sĩ mà tự ý ở nhà mua thuốc điều trị hoặc tự điều trị bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng, gây ra tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc”.

Cần tập trung nhiều nguồn lực để kết thúc bệnh sốt rét

Cuộc chiến đẩy lùi, tiếp tới kết thúc bệnh sốt rét vào năm 2030 của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: ký sinh trùng P. falciparum kháng thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề điều trị tiệt căn đối với P. vivax không đạt hiệu quả làm cho bệnh sốt rét tồn tại dai dẳng, phức tạp nhiều nơi; muỗi kháng hóa chất; mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn hạn chế về trang thiết bị kiến thức; đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, chất lượng các biện pháp kỹ thuật, trong điều trị, dự phòng chưa cao. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế, xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình dịch bệnh như di biến động dân số ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo đói ở các vùng đồng bào dân tộc ít người còn cao...

12 triệu người sống trong vùng lưu hành, sốt rét nguy cơ bùng phát - 3

Đẩy lùi tiến tới kết thúc sốt rét đang là thách thức đòi hỏi sự tập trung từ nhiều nguồn lực

Theo PGS. TS. Lê Thành Đồng, để hạn chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét, ngoài các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư các nguồn lực, nhất là cho y tế cơ sở - tuyến trực tiếp phát hiện, xử lý ca bệnh, ổ bệnh, nâng cao nhận thức và sự tham gia của nhân dân, đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, xử lý kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi, tiêu diệt bệnh sốt rét ở các địa phương, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Cũng trong buổi lễ phát động “Nói không với bệnh sốt rét” Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM đã trao tặng 31 chiếc xe đạp tiếp sức đến trường cho các em học sinh trên địa bàn huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Đây là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường nhưng cha mẹ quá nghèo không mua được phương tiện.

12 triệu người sống trong vùng lưu hành, sốt rét nguy cơ bùng phát - 4

Những chiếc xe đạp đến trường kết hợp truyền thông phòng chống dịch bệnh là ý tưởng tiếp cận người dân ở vùng còn nhiều khó khăn

Viện trưởng PGS.TS. Lê Thành Đồng chia sẻ: “Từ những chuyến đi thực địa phòng chống sốt rét tại vùng sâu vùng xa, chúng tôi thấy đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn. Nhà ở xa nhưng nhiều cháu phải đi bộ tới trường vì cha mẹ không có điều kiện mua xe cho con. Trẻ phải nghỉ học giữa chừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức, tiếp cận các vấn đề xã hội trong đó có kiến thức phòng chống dịch bệnh mà sốt rét ở vùng sâu vùng xa là một điển hình”.

Trên cơ sở vận động các mạnh thường quân, Đoàn thanh niên đã tổ chức tiếp nhận xe đạp cũ được tặng cho Quỹ xe đạp đến trường, đồng thời thu mua xe cũ về tu sửa, bổ sung thay thế phụ tùng, đảm bảo hoàn thiện gần như mới. Hiện nay, Quỹ xe đạp đến trường đã tiếp nhận thu mua được hơn 100 chiếc. Trên mỗi chiếc xe được trao tặng, đều được gắn các khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống sốt rét. “Chúng tôi hi vọng đây vừa là món quà khích lệ học sinh nghèo vượt khó học giỏi đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh sốt rét. Sắp tới hoạt động trao tặng xe đạp cho học sinh sẽ được mở rộng ở nhiều địa phương khác kết hợp với công tác phòng chống dịch bệnh của Viện”.   

Vân Sơn