1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

11 dấu hiệu trẻ cần đi khám mắt

(Dân trí) - Kiểm tra thị lực là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe của con bạn. Nhưng cho dù có được khám hàng năm, các vấn đề nhỏ về mắt vẫn có thể bị bỏ qua.

Nếu bạn thấy con mình biểu hiện một số trong 11 hành vi dưới đây, thì nên liên hệ với bác sĩ để xem có cần đi khám mắt hay không.

11 dấu hiệu trẻ cần đi khám mắt - 1

Nheo mắt

"Nếu trẻ bị viễn thị (nhìn các vật ở gần bị mờ), trẻ có thể sẽ nheo mắt để nhìn rõ hơn. Vì nheo mắt tạm thời cải thiện thị lực, đây là dấu hiệu con bạn đang cố bù lại cho thị lực kém.

Nghiêng hoặc quay đầu để nhìn rõ hơn

Trẻ bị viễn thị, loạn thị (giác mạc có hình dạng không đều và gây nhìn mờ) hoặc nhược thị (một mắt thị lực kém hơn mắt kia) có thể phải nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ hơn nhằm bù lại cho bên mắt bị lệch trục, song thị và mất cân bằng cơ mắt.

Cần theo dõi các dấu hiệu viễn thị nặng, có thể khiến một hoặc cả hai mắt bị lác trong. Một mắt bị lác vào trong hay ra ngoài có thể là dấu hiệu con bạn cần đeo kính, nhưng nó cũng có thể gợi ý một vấn đề nghiêm trọng hơn [như bệnh tuyến giáp và hội chứng Duane] và cần được đánh giá càng sớm càng tốt.

Cầm đồ vật sát gần mặt

Con bạn có bắt đầu ngồi trên sàn nhà, sát gần TV hơn, trong thời gian xem phim? Nếu trẻ bị cận thị [nghĩa là có thể nhìn thấy những vật ở gần, nhưng những thứ ở xa bị mờ], trẻ có thể cầm các thứ gần sát với mặt hoặc có thể ngồi sát với tivi.

Che một mắt

Trẻ bị loạn thị rất khó đưa các đối tượng vào đúng tiêu cự. Trẻ có thể che một mắt khi đọc sách hoặc khi xem iPad, đó là một tín hiệu cho thấy trẻ đang có vấn đề. Che một mắt cũng có thể là một dấu hiệu của tật lác ngoài gây giảm cảm nhận về chiều sâu - một trong những triệu chứng là nhạy cảm với ánh sáng.

Hay dụi mắt

Khi mắt gặp khó khăn trong việc nhìn, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng, đó là lý do tại sao hay dụi mắt là một dấu hiệu khác của vấn đề thị lực ở trẻ em. Nhưng không phải tất cả các dụi mắt đều là triệu chứng của thị lực kém. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề nhỏ khác về mắt, như viêm kết mạc dị ứng hoặc khô mắt.

Thường xuyên đau đầu hoặc đau mắt

Trẻ bị viễn thị không được điều trị thường bị đau ở mắt, đau đầu ở vùng trán hoặc vùng lông mày. Lý do là trẻ phải mất nhiều thời gian gắng sức để điều chỉnh thị lực bị mờ. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu thấy điều này xảy ra với con bạn.

Khó khăn với việc học ở trường

Một số vấn đề về thị lực có thể biểu hiện như khó tập trung vào việc học ở trường. Trong môi trường lớp học, trẻ em cần điều chỉnh nhanh chóng giữa các đối tượng nhìn gần và xa. Khi khó nhìn thấy bảng hoặc sách vở trên bàn, trẻ có thể bị mất tập trung. Nếu con bạn đột nhiên bị giảm sút thành tích học tập, hãy nói chuyện với giáo viên để xem liệu thị lực có phải là vấn đề.

Chảy nước mắt

Chảy nước mắt nhiều có liên quan đến một tình trạng gọi là chứng hở mi, khiến mắt nhắm không kín khi ngủ. Vì mi mắt không nhắm kín hoàn toàn, mắt bị khô và thường xuyên chảy nước mắt trong ngày.

Chỉ ngón tay trong khi đọc

Mặc dù nhiều trẻ dùng ngón tay để theo dõi vị trí khi đọc, nhất là những trẻ mới biết đọc, song đây cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề về thị lực. Mắt bị nhược thị khiến các từ hoặc chữ xuất hiện rất sát nhau, khiến chúng khó nhận biết.

Hay bị va vào đồ đạc hoặc ngã nhiều hơn bình thường

Bản tính của trẻ em là vụng về, đặc biệt là trẻ mới biết đi, nhưng đừng đổ tại hoàn toàn cho sự vụng về khi gặp vấn đề về thị lực. Nếu con bạn thường xuyên va vào mọi thứ hoặc bị vấp ngã nhiều hơn bình thường, thì đáng để liên hệ với bác sĩ.

Vì vậy, ngay cả khi trẻ mới đang chập chững tập đi, cũng đừng ngần ngại nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có gì đó không ổn.

Khó đọc

Đọc là một kỹ năng khó đối với hầu hết trẻ em, nhưng những trẻ có vấn đề về thị lực sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Nếu bạn nhận thấy trẻ khó ngồi yên trong khi đọc hoặc thường xuyên bỏ dòng và không biết đang đọc đến đâu thì hãy kiểm tra mắt.

Cẩm Tú

Theo PS