10.000 người bị sốt rét tấn công
(Dân trí) - Khu vưc Tây Nguyên và các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước đang đối mặt với hiểm họa mới khi căn bệnh sốt rét quay lại. Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương lo ngại, sốt rét kháng thuốc ngày càng lan rộng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống.
Ngày 4/1, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, trong năm 2017 trên cả nước có khoảng 10.000 trường hợp mắc sốt rét trong đó có 4 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý cả 4 trường hợp tử vong đều là do bị chẩn đoán nhầm sốt rét ác tính thành viêm họng nên người bệnh không được cứu chữa kịp thời.
Trên cả nước hiện có khoảng 11 triệu người đang sống ở vùng có bệnh sốt rét lưu hành như vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới với các nước láng giềng. Bệnh sốt rét đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi muỗi sốt rét với 3 chủng An.minimus, An.dirus, An.epiroticus hiện đang lưu hành tại nhiều tỉnh đã có dấu hiệu kháng hóa chất. Nguy hiểm hơn, ký sinh trùng gây bệnh sốt rét kháng thuốc đã được ghi nhận tại các tỉnh: Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Nam, Khánh Hòa.
Những đối tượng đã mắc và nguy cơ mắc sốt rét ở mức cao là dân di biến động, giao lưu qua biên giới, người đi rừng, ngủ rẫy. Vào thời điểm mùa đông xuân, một số người lao động từ khu vực Châu Phi, Campuchia,… trở về quê vui xuân, đón Tết cùng gia đình sẽ tăng thêm nguy cơ “nhập khẩu” sốt rét ngoại lai.
Để hạn chế nguy hiểm của căn bệnh sốt rét đối với cộng đồng, Viện trưởng Thanh Dương đề nghị các địa phương ngoài công tác phòng chống sốt rét nội địa phải chú trọng đến phòng chống sốt rét ngoại lai trên cơ sở theo dõi, phát hiện sớm những dấu hiệu mắc bệnh ở nhóm dân di biến động. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng, các bệnh viện cần tăng cường công tác chuyên môn trong chẩn đoán, phát hiện, điều trị sớm bệnh nhân sốt rét, hạn chế nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Vân Sơn