10% bệnh nhân tim mạch mắc tăng áp động mạch phổi

(Dân trí) - GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: "Tại Việt Nam, bệnh nhân mắc tăng áp động mạch phổi không nhiều nhưng là cơn “ác mộng” của thầy thuốc tim mạch".

GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, bệnh nhân mắc căn bệnh này không nhiều nhưng là cơn “ác mộng” của thầy thuốc tim mạch. Mặc dù chưa có thông kê chính xác, song có khoảng 10% những người đến điều trị tại các bệnh viện tim mạch đều đã bị mắc chứng tăng áp động mạch phổi tiên phát (không xác định được nguyên nhân).

Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh này còn rất trẻ, lứa tuổi trên 30, với biểu hiện thường thấy là khó thở, tim đập mạnh khi đi bộ nhanh, leo cầu thang, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh tim, phổi khác. Các bệnh nhân mắc PAH từ khi phát hiện đến khi tử vong chỉ kéo dài thêm cuộc sống từ 1 - 5 năm.

Nguồn hy vọng duy nhất cho bệnh nhân PAH giai đoạn cuối là phẫu thuật ghép tim hoặc ghép phổi, nhưng lại gặp phải nhiều trở ngại về nguồn hiến tạng cũng như nhiều thách thức, rủi ro luôn đi kèm các cuộc đại phẫu

Tuy nhiên, với việc cho phép sử dụng thuốc Bosentan (hãng Dược phẩm Actelion) người mắc chứng bệnh này tại Việt Nam có thể tiếp cận một liệu pháp có hiệu quả tích cực không chỉ trong điều trị lâm sàng mà còn đem lại kết quả cho một cuộc sống có chất lượng hơn, kéo dài tuổi thọ của người bệnh hơn. Đó là thông tin do GS Y học Keith McNeil, ĐH Queensland, Giám đốc điều hành Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia Brisbane và GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam công bố mới đây.

Mặc dù vậy, với giá 800.000 đồng/viên, ngày dùng 2 viên và phải dùng lâu dài thì một giải pháp hỗ trợ hay thiết thực hơn là hạ giá thành sản phẩm là điều mà tất cả người bệnh đều mong chờ.

An Hạ