Uống cà phê “âm phủ”!
Thói thường, người ta đi uống cà phê sáng, cà phê trong thời gian nghỉ trưa, lúc rỗi việc, khi thành phố đã lên đèn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tại Hà Nội đang tồn tại một loại hình quán cà phê đặc biệt, phục vụ khách đêm, mà càng khuya càng đông khách, càng muộn lại càng thấy lắm người.
Khách cũng không phải là người tứ xứ, vãng lai mà chủ yếu là khách quen. Dân chơi Hà Nội giờ tập trung về đó rất đông. Không ít người trong số họ gọi những quán cà phê như vậy là cà phê “âm phủ”, một vài người trong số đó cũng tự nhận mình là những “bóng ma đêm.”
Phố Trần Phú 12h đêm, sương lạnh bao trùm làm mờ cả đoạn phố dài. Trời rét đậm, đường xá vắng tanh người qua lại. Thi thoảng từng chuyến tàu đêm chạy qua làm khuấy động lên khoảng không gian yên tĩnh.
Giờ này không nhiều gia đình còn sáng đèn. Duy chỉ còn đoạn đường đầu phố Trần Phú, cắt hai phố Phùng Hưng và Lý Nam Đế vẫn còn tấp nập người xe. Được sự hướng dẫn của một “dân chơi” Hà Nội, tôi thử một lần “đi bụi” cùng hắn để uống cà phê đêm. Thứ nước mà hắn hồ hởi khoe với tôi rằng là chỉ Hà Nội và phải là “ma Hà Nội” thì mới biết và đến uống.“Thổ dân” ghé tai tôi “giờ mới bắt đầu vui. Để ý và nhớ tỏ ra bình thản.”
Quán cà phê “âm phủ” mà đám sành điệu Hà Thành đặt biệt danh nằm ngay cạnh ngõ dẫn vào phố ẩm thực Tống Duy Tân được trang hoàng khá giản dị. Cái quán rộng có vài mét vuông được chủ quán sử dụng để pha chế. 100% khách khứa đều ngồi tràn ra cả vỉa hè. Đoạn hè phố thường ngày rộng thế, giờ như nhỏ hẹp lại bởi đám “nam thanh nữ tú” tóc vàng, tóc đỏ ngồi.
Ngoài cà phê, quán còn được người ta biết tới là nơi duy nhất bán nước gạo. Gạo được rang lên, pha đường và thêm chút hương liệu bán 5.000 đồng/cốc. Gạo nóng, gạo đá lạnh đánh đồng một giá.
Ngoài ra, quán còn bán thêm các loại nước khác với giá trên dưới 20.000 đồng. Tính sơ sơ mỗi ngày quán phục vụ khoảng 200 khách, số tiền thu được đã là hàng triệu đồng. Biển hiệu được dán chữ vàng trên nền giấy đỏ khá nổi và tên khai sinh của nó thực ra là “Đ.Đ quán”.
Khách đến đây chủ yếu đi xe máy xịn như @, Dylan…”. Gần như 100% người đến uống cà phê, nước gạo là thanh niên và nếu chỉ nhìn bên ngoài với những thứ phục trang loại xịn và đồ trang sức đắt tiền cũng có thể đoán được họ thuộc những gia đình “có máu mặt”. “oách hơn”, một số nhân vật còn giới thiệu sự có mặt của mình bằng xe hơi đời mới hiệu MECEDES, BMW hay ít ra thì cũng là VIOS chưa kể một loạt taxi đỗ dài vừa đón khách từ phố ẩm thực đồng thời cũng phục vụ cho cả những thanh niên ngồi uống cà phê âm phủ.
Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, vỉa hè trước cửa quán còn đến vài chục khách. Xe cộ được xếp thành hai hàng dọc bên vỉa hè đối diện. Dù chưa có trường hợp nào bị mất xe song cách đây một thời gian đã xuất hiện tình trạng cầm nhầm.
Tiếng cốc thuỷ tinh kêu “choang”. Cả quán nhốn nháo. Một thanh niên tỏ vẻ thản nhiên phủi tay, bỏ mặc cô bạn gái trong bộ đồ đắt tiền ngồi cạnh ôm đầu. Không thấy có ai can thiệp. “Dân chơi” ghé tai “Nó đánh bạn gái. Chuyện thường thôi. Ở đây thỉnh thoảng vẫn có một vài va chạm nhỏ”. Sau vài phút nghe ngóng thấy không có động tĩnh gì, cả quán lại vui như cũ.
Ngồi “cà phê Đ.Đ” chán, bạn rủ quay về uống trà. Không uống trà mạn mất ngủ, bạn đưa tôi qua mấy quán trà Đ.L nằm ở đầu phố Phan Đình Phùng. Lượng khách không đông bằng quán cà phê vỉa hè Đ.Đ song đến nửa đêm quán vẫn còn tưng đối tấp nập.
Trước đây đoạn phố này chỉ có một quán trà mang tên Trà Đ.L, song thời gian gần đây đã xuất hiện thêm quán thứ hai nhằm cạnh tranh thưng hiệu nên hai quán đều có cái tên na ná như nhau. Khách ở đây có vẻ có chọn lọc hơn có lẽ cũng bởi không nhiều người quen được với những cái vị hăng hắc như thuốc bắc và hương của các loại hoa được nhân viên phục vụ pha chế.
Không giống như những quán cà phê ven nội vốn từ lâu được “giang hồ” coi là những “động nhện” chỉ chuyên phục vụ cho nhu cầu ngoài ăn uống của khách. Những quán cà phê “âm phủ” nội thành đang là nơi tụ tập của giới ăn chơi. Chờ đợi trong những chuyến đua xe, tụ tập rồi “bay đêm” sang Gia Lâm với khách...
Uống rượu đêm đã không còn được coi là mốt thời thượng nữa. Chủ quán rượu chủ yếu phục vụ khách đã có tuổi tầm tầm, phục vụ cho đám trẻ đi đêm bây giờ đang là những quán cà phê internet, cà phê “ma”, cà phê “âm phủ”…
Tiếp xúc với chúng tôi tại trụ sở Công an phường Hàng Bông, một cán bộ của công an phường cho biết, quán cà phê nằm bên đường Trần Phú là một “tồn tại” của phường. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan tác động nên lực lượng công an vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Lực lượng công an phường Hàng Bông và cả công an quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần tiến hành kiểm tra hành chính với khách ngồi uống nước đêm để thanh lọc đối tượng có tiền án tiền sự duy trì an ninh trật tự cho khu vực.
Điều đáng lo là phần lớn thanh niên tụ tập tại các quán đêm này còn đang ở tuổi vị thành niên. Khi mà “dạt nhà đi bụi” đang được một số người chọn làm phong cách sống thì việc những quán cà phê âm phủ như vậy còn tồn tại để trở thành tâm điểm của những chuyến đi đêm ấy là nỗi nhức nhối trong lòng thành phố. Không chỉ gây mất an ninh trật tự ở điạ bàn của một vài phường nơi mà các quán cà phê ấy được mở mà nó còn là nguyên nhân xuất phát của nhiều loại hình tệ nạn xã hội khác.
Phan Bình An
Theo Vietnamnet