1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đi dọc Trường Sơn:

Những chặng đường đầu tiên

Nhìn trên bản đồ, đất nước Việt Nam với hình dáng một Giọt đàn bầu, kéo dài gần 3000 km với những núi non hiểm trở, có những chỗ thắt lại chí còn trên dưới 50 km chiều ngang, con đường Thiên lý xưa cũng giống như sợi dây đàn độc huyền để từng ngân lên những thanh âm thánh thót, diết da...

Thơ thì có thơ thật đấy, nhưng mà cũng không khỏi truân chuyên. Và rồi Trường Sơn tỉnh giấc, đường Hồ Chí Minh Công nghiệp hóa, Hiện đại hoá hình thành, cây đàn nước Việt như được tiếp thêm nguồn thanh âm mới, hào sảng, bề thế và lộng lẫy. Đó là những cảm giác đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ngay từ những phút đầu tiên....

 

1. Chọn hướng đi Hà Nội - Xuân Mai để bắt đầu chuyến hành trình vượt Trường Sơn của mình tại đúng điểm khởi đầu của đường Hồ Chí Minh, qua Miếu Môn, Kim Bôi, Mường Khển, Cúc Phương, theo Quốc Lộ 12 B để rồi từ đó rẽ sang con đường 519 ngoằn nghoèo và nhỏ xíu qua  Thanh Hoá, xuôi Nam trên cung đường tít tắp phía Tây...

 

Điểm tiếp giáp giữa đường 519 với Quốc lộ 12 B thoạt trông như 1 con đường dẫn về 1 xóm nhỏ nào đó, như bao xóm nhỏ cũng bắt đầu từ 1 con đường như vậy rồi khuất sau những luỹ tre mờ, từ đó sẽ lững lờ bay lên những làn khói bếp màu lam khi chiều buông xuống. Nếu như không có tấm biển chỉ dẫn: CẨM THUỶ 31 KM thì ít ai dán nghĩ rằng con đường này rồi sẽ dẫn tới Trường Sơn. Dù sao thì cũng nên hỏi lại cho chắc: "Đường này qua Cúc Phương phải không?"; "Vâng!". Vậy là chắc rồi, 31 km, nhằm nhò gì. Ai dè...

 

Theo Báo cáo Tổng kết tình hình thi công của BQL dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, đến thời điểm cuối năm 2004, tại đoạn qua vườn Quốc gia Cúc Phương mới hoàn thành đường điện phục vụ thi công, các đơn vị đang thực hiện công tác thi công cống (khoảng 64%) và nền đường (khoảng 58%).Công tác GPMB mới hoàn thành được 5 km, còn mắc lại 2,5 km do chưa hoàn thành khu tái định cư trên địa bàn huyện Thạch Thành ( Thanh Hoá). Khó khăn của những người thi công cũng chính là khó khăn của chúng tôi khi vượt qua đoạn đường này. Hào hứng được chừng hơn 5 km, cho tới khi bắt đầu nghe thấy những tiếng máy nổ đầu tiên của công trường vọng tới thì bắt đầu nhận ra con đường dưới bánh xe bắt đầu có ý "Đứng thì chẳng chịu, nằm chung thì ừ...". Cú ngã đầu tiên nhẹ và êm như đùa. Ừ, hoá ra ngã cũng chẳng có  gì ghê gớm lắm...

 

Những cơn mưa rào từ mấy hôm trước đã khiến cho gần 20 km đường thuộc tuyến tránh Cúc Phương này trở nên trơn và lầy lội khủng khiếp. Vừa bò, vừa đẩy, vừa dắt, ì ạch mãi, và cũng không ít lần "đo đường", sau gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được khoảng gần 20 con dốc để tiến vào đoạn đầu của con đường mới đã tạm gọi là hoàn thành tại địa phận xã Thạch Quảng (Thạch Thành - Thanh Hoá). Thở phào. Ngay ngày đầu tiên coi như "đi" một bộ quần áo...

 

Điểm dừng đêm đầu tiên tại thị trấn Cẩm Thuỷ. Ngồi tính lại cung đường đã đi trong ngày, tròm trèm 190 km. Bảo nhau: Ngày đầu như thế là được!

 

Với những người ưa xê dịch thì con đường Trường Sơn bao giờ cũng có một sức cuốn hút đặc biệt. Không phải chỉ bởi đó là con đường đi suốt chiều dài đất nước, qua rất nhiều địa danh nửa vừa như quen, nửa vừa như lạ với bất kỳ người Việt Nam nào. Cũng không phải đó là con đường mà bản thân trong lòng nó đã hàm chứa biết bao nhiêu câu chuyện, mà điều cơ bản, vượt  Trường Sơn cũng là một dịp để thử thách chính mình.

2. Đường Hồ Chí Minh (mới) chạy qua địa phận Thanh Hoá có tổng chiều dài 103 km. Con đường 519 chạy đến thị trấn Ngọc Lặc thì nhập vào với đường 15 từ Mai Châu (Hòa Bình) đi qua các huyện Quan Hoa, Bá Thước và Lang Chánh của Thanh Hóa. Từ đây đường Hồ Chí Minh (trên cơ sở của đường 15 cũ) tiếp tục chạy qua các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân và Như Xuân để sang đất Nghệ An. Ngày thứ 2 của cuộc hành trình, chúng tôi chỉ đi được chưa đầy 100 km do thời tiết không mấy thuận lợi. Một trận mưa rào bất chợt đổ xuống đã khiến cho chuyến đi bị gián đoạn chừng gần 3 tiếng đồng hồ. Cảm giác ngồi chờ mưa tạnh thật khó chịu. Thôi thì lấy cái vui của người dân ở vùng này để làm cái vui của mình vậy. "8 tháng nay rồi, giờ mới có một trận mưa rào đáng gọi là mưa!". Họ nói vậy.

 

Các huyện phía Tây của Thanh Hoá chủ yếu là đồng bào Mường sinh sống. Người Mường từ lâu đã có nghề trồng lúa nước, nên diện mạo xóm làng cũng có vẻ khang trang. Có lẽ do con đường cũng chưa thật sự khai thông, nên người đi lại cũng chưa nhiều, đặc biệt là những người đi đường dài. Sự xuất hiện của chúng tôi có gì như lạ lẫm nên tất cả những ánh mắt nhìn theo kèm với một nụ cười...

 

Chiều. Ai đi xa mà khi chiều xuống chẳng gợn chút bâng khuâng. Chiều qua, con đường lầy lội đã khiến chúng tôi quên đi tất cả, nhưng đến chiều nay thì đã bắt đầu...

 

Điểm dừng đêm thứ 2 là tại thị trấn Thái Hoà, huyện lỵ của huyện Nghĩa Đàn, nằm cách đường HCM 6 km về phía Tây, trên Quốc lộ 48, nối từ Quốc Lộ 1A, tại địa phận huyện Diễn Châu, đi qua Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu lên Quế Phong. Đây một thời là con đường đá đỏ với bao nhiêu máu và nước mắt những năn 1990-1995, nhưng đến nay thì đã khác. Thị trấn rộng đến bất ngờ và vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Đến Thái Hoà khi đèn đường đã tỏ, ngắm Thị trấn và bỗng thấy thèm 1 tách cà phê...


Những chặng đường đầu tiên - 1

Từ đường Hồ Chí Minh lên đến biên giới Việt - Lào, qua các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, cũng phải trên 100 km tính theo đường chim bay. Còn nếu tính từ đường Quốc lộ 1A thì cũng phải gần 200 km. Đường duy nhất để lên tới khu vực này là Quốc lộ số 7 chạy từ Diễn Châu qua Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn. Chính điều đó đã gợi lên suy nghĩ về những khó khăn mà Nghệ An sẽ còn phải vượt qua, ngay cả khi đường Hồ Chí Minh đã bắt đầu phát huy hiệu quả, một khi chủ trương phát triển kinh tế, xã hội sang hướng Tây này. Đó là điều mà chúng tôi vừa nghĩ tới khi trưa hôm sau dừng lại ở Tân Kỳ..

 

Dùng dằng mãi quanh cột mốc số 0. Một cảm giác vừa hào hứng, lại vừa bâng khuâng. Nửa muốn đi thật nhanh, nửa lại như muốn nấn ná thêm chút nữa...Hình như trước bất kỳ một sự bắt đầu nào người ta cũng đều có cảm giác như vậy, dù đã vượt qua cả một chặng đường không phải là đơn giản, dù cho cái đích của chuyến đi như vậy là đã gần lại được thêm một chút, nhưng cái cảm giác rất khó tả kia thì vẫn như vậy. Vâng, vậy là từ đây đã bắt đầu Trường Sơn...

 

Có lẽ sẽ ít người hình dung ra đường Trường Sơn lại hiền hoà như thế này. Đường 15 C trước đây chỉ là một con đường nhỏ, chạy khiêm tốn qua các dẫy đồi thấp với chất đất chủ yếu là đất gan gà, khô cắn và nóng. Nay cùng với con đường, diện mạo 2 bên cũng đã phần nào khởi sắc. Những thửa ruộng trồng lúa nước nằm xen kẽ giữa những quả đồi trồng mít, keo lá tràm, cam, cao su... thoáng đôi chỗ là những rừng cọ, đồi chè tạo nên một bức tranh làng quê đa dạng, với một tiết tấu nhanh và những điểm nhấn thích đáng, khiến người đi trên đường, dù là lần đầu, mà vẫn thấy như đã vô cùng quen thuộc. Một tốp trẻ đi học về, một quán nước dừng chân, một ao cá Bác Hồ ngay ven đường... tất cả đều tạo nên một cảm giác gần gũi. Ừ, Trường Sơn đấy. Trường Sơn cho đến phút này vẫn chưa thấy nấy xa xôi. Và thậm chí là một bao thuốc Điện Biên mua ở dọc đường cũng như đang gợi lại câu chuyện từ một ngày rất xa... 

 

Chỉ có điều đáng phàn nàn là những chiếc xe Minsk kềnh càng và hầm hố kia vốn thích hợp cho những con đường đèo dốc, lồi lõm thì giờ chạy trên con đường quá đẹp như thế này bỗng hoá vụng về, bồng bềnh và lắc khủng khiếp. Xe Minsk chạy trên đường này chẳng khác nào đem dao phay đi...gọt cam vậy... Nhưng thôi, dù sao thì cũng chẳng còn cách nào khác... Hết ngày thứ 3, chúng tôi đã vượt qua Nghệ An và huyện Hương Sơn, huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh để dừng lại ở Vườn Quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh).

 

Đêm đầu tiên ngủ lại rừng trong chuyến di này, chắc chắn sẽ hứa hẹn cả một câu chuyện dài...

 

3. Rời khỏi Vườn Quốc gia Vũ Quang thì đã quá trưa. Sau 1 đêm hoàn toàn "biệt vô âm tín", lần lượt cả mấy chiếc điện thoại đều reo vang báo có tin nhắn. Mấy ngày đi trên đường, đây là lần đầu tiên chúng tôi thực sự "mất hút" với gia đình và bạn bè. Cảm giác xao xuyến đến tận đáy lòng mà đêm qua cảm nhận được từ rừng Vũ Quang có lẽ cũng còn do lý do này nữa. Nhưng thôi, hãy tập cho quen đi là vừa. Chuyện như thế hãy còn rất nhiều ở phía trước. Tiếp tục lên đường...

 

Tuy đã tách ra một số xã để thành lập huyện Vũ Quang, nhưng cho đến nay huyện Hương Khê vẫn là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Từ thị trấn Vũ Quang đến thị trấn Hương Khê mất khoảng trên 40 km. Từ đây, đường Hồ Chí Minh lại trở về chạy "cặp kè" bên cạnh Quốc lộ 15 cũ để đi qua 6 / 7 đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Bình là các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và Thị xã Đồng Hới (Quảng Bình vốn là nơi hẹp nhất của nước ta, có nơi chiều ngang chỉ có 50 km. Chính vì vậy mà các đơn vị hành chính cấp huyện đều phân bố theo chiều dọc, duy chỉ có huyện Quảng Trạch là ăn ra phía Đông, nên con đường không đi qua huyện này) .

 

Sau 1 đêm nghỉ lại thị trấn Hương Khê để "chỉnh đốn" lại đội ngũ và thực hiện một số công việc chuyên môn, sang ngày thứ 4 của cuộc hành trình, chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy phải dè dặt hơn với sự lặp lại của những phong cảnh ven đường... Một con đường mới và đẹp đến hoàn hảo như đường Hồ Chí Minh lại trở thành một thách thức không thể vượt qua được đối với yêu cầu của một phóng viên ảnh muốn đi tìm những điểm nhấn độc đáo...Thì đấy, ai chẳng biết rằng trên những con đường quá ư bằng phẳng, người ta vẫn phải tạo ra những "con lươn" để buộc người lái xe phải chú ý đấy thôi. Chụp ảnh cũng vậy, chẳng lẽ cứ giống nhau mãi!. Thôi thì thế này vậy...

 

Nếu như Quốc lộ 1A từ Hà Nội tới TPHCM chỉ dài trên 2000 km, thì người ta chưa có thống kê chính xác, nhưng cũng đã ước tính được tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường Hồ Chí Minh, tính đến huyện Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước, là trên 10.000 km. Điều đó chứng tỏ con đường giao thông vượt Trường Sơn của chúng ta xưa kia thực sự là một mạch máu toả đi khắp cơ thể mà không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Và "chủ nhân" của nó ngày ấy, những chiến sỹ của Đường dây vận tải quân sự 559, những người đã xây dựng, bảo vệ và sử dụng nó một cách vô cùng hiệu quả.


Những chặng đường đầu tiên - 2

Đi trên những con đường này chính là đi trên những con đường mà một thời đã từng có những đoàn quân ngày đêm âm thầm vượt đạn bom để ra tiền tuyến. Đi trên con đường này cũng là  đi qua những trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt của không quân Mỹ suốt cuộc chiến tranh... Và chúng tôi đã gặp lại ở đây những địa điểm đặt sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh đường dây 559, những địa điểm đặt kho tàng, những chiếc cầu treo bắc qua sông, những tấm bia ghi đầy chiến tích:... Tất cả đều đã trở thành di tích Lịch sử: Khe Giao - Đồng Lộc, Khe Ve, Cổng Trời, Cha Lo...

 

Vượt hơn 60 km, đường Hồ Chí Minh có, đường 15 A có, đường 12 A cũng có, suốt trên địa bàn 2 huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá. Khu vực vừa này là địa bàn cư trú của các dân tộc Chứt, Khùa, Mày, Sách, Rục, Mã Liềng, Nguồn... thuộc nhóm A Rem ở phía Đông Trường Sơn. Đây là những tộc người có số lượng ít, trước đây sống rải rác trong rừng sâu. Từ khi đường Trường Sơn được hoàn thành, họ được  chính phủ làm nhà, dựng bản, khai hoang làm rẫy, đưa về định cư ở hai bên con đường. Đường cũng vui mà người cũng bớt phần hiu hắt, lầm lụi...

 

Chọn một bản như vậy làm nơi dừng chân đêm nay là dự định của chúng tôi ngay từ đầu cuộc hành trình. Bản người Rục có cái tên vô cùng ấn tượng: Mo Ó Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá. Đến nay là đêm thứ 5 của cuộc hành trình...

 

Lương Ngọc An - Lê Anh Tuấn

Dòng sự kiện: Đi dọc Trường Sơn