Nhớ thời tác nghiệp đeo bám bác Cầm
(Dân trí) - Với những người làm báo chúng tôi, có lẽ không gì may mắn hơn là có được sự cởi mở, tạo điều kiện từ các đối tượng mình cần tiếp cận để phỏng vấn, để có được những thông tin sốt dẻo nhất cung cấp tới bạn đọc. Nhất là khi đó là các VIP.
Có thể coi năm 1995 như năm bản lề, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử với dấu ấn là ba sự kiện trên. Và tôi – một lính mới tò te trong “làng báo”, vừa ngỡ ngàng vừa choáng ngợp khi đùng một cái bị quăng vào những hiện trường tác nghiệp sôi động với sự hiện diện của các đội quân hùng hậu từ những tên tuổi lớn trong làng báo chí và truyền thông quốc tế như CNN, CBS, Times, Reuters, AP, AFP, Kyodo, NHK, Nikkei… đổ sang Việt Nam săn tin.
Để tác nghiệp “tay bo” với báo giới nước ngoài, chúng tôi thường nói nửa đùa nửa thật với nhau rằng: trước hết phải học cách vượt qua những Fire Wall (tường lửa). Nào là hàng rào an ninh, cảnh vệ, nào là lễ tân, vệ sĩ để cuối cùng mới có thể tiếp cận mục tiêu là các VIP hàng đầu của cả VN và quốc tế.
“Điệp vụ bất khả thi”
Chúng tôi đã có được không ít cuộc phỏng vấn với các chính khách tên tuổi thời ấy, chủ yếu là nhờ vào sự giúp đỡ của bác Cầm cùng một số nhà ngoại giao khác.
Là những phóng viên, ai trong chúng tôi cũng thấy rất vui và có cả phần tự hào khi được dịp tiếp xúc, phỏng vấn các VIP quốc tế được chú ý nhất trong thời kỳ ngoại giao hết sức sôi động ấy như: Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher - người nổi tiếng là một chuyên gia đàm phán hòa bình….
Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi là các chuyến đi con thoi dày đặc của các nghị sĩ Mỹ tên tuổi – những người góp phần quan trọng vào nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Nổi bật nhất là bộ đôi thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain, hai gương mặt rất năng nổ trong các nỗ lực hối thúc và vận động chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với VN.
Và một người nữa sau này trở nên gần gũi với chúng tôi hơn bởi từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 1997 – 2001. Cánh báo chí chúng tôi cũng đã tới dự hôn lễ của ông với một nữ nhân viên ngoại giao người Úc gốc Việt rất xinh đẹp tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ông là hạ nghị sĩ tên tuổi Douglas Brian (Pete) Peterson. Với báo chí, bao giờ ông cũng rất cởi mở và cuộc phỏng vấn luôn diễn ra như cuộc trò chuyện thân tình giữa những người bạn.
Bị chúng tôi đeo bám nhiều quá, mỗi lần gặp mặt là bác Cầm lại than thở: “Phỏng vấn nữa à? Có gì tôi đã nói hết trước khi đi rồi…” Nhưng rồi lại bị năn nỉ, bác đành "xuống nước": “Chỉ 15 phút thôi đấy nhé, mỗi người 5 phút, hỏi ít thôi”. Nhưng phỏng vấn bao giờ cũng kéo dài hơn cái “thời hạn chót” mà bác đã “ra tối hậu thư” cho cánh phóng viên chúng tôi khá nhiều.
Đúc rút kinh nghiệm
Bận rộn như vậy, nhưng mỗi lần gặp bác Cầm chúng tôi vẫn được nghe bác nhận xét về các bài báo viết của mình, nhất là các bài phỏng vấn. Sau này ngẫm lại, tôi thấy những kinh nghiệm quý giá nhất của nghề săn tin tức mà mình tích lũy được, đều từ thời kỳ này mà có được.
Thật vậy, tôi đã học được các kỹ năng làm việc qua những cuộc ganh đua với các đồng nghiệp cả trong nước và nước ngoài tới từng phút, từng chỗ đứng, từng nguồn thông tin. Sao cho dễ có cơ hội nhất để tiếp cận các VIP trong những cuộc họp báo, hoặc những lần “thả neo” chờ bên ngoài phòng hội đàm cả nửa ngày, thậm chí cả ngày… Để cuối cùng được tưởng thưởng bằng những thông tin sốt dẻo, những cuộc phỏng vấn hay…
Và thật may là chúng tôi luôn có được sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ bác Cầm cùng nhiều nhà ngoại giao khác thời đó.
Thanh Nguyễn