1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

GS Hà Văn Tấn - Nhà học giả thông kim bác cổ

Kỳ I: Nức tiếng từ tuổi 20

(Dân trí) - 20 tuổi, Hà Văn Tấn được GS Đào Duy Anh tin cậy giao cho hiệu đính bản dịch và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Hẳn là GS Đào Duy Anh phải tin cậy lắm mới dám giao cho Hà Văn Tấn trọng trách này.

30 tuổi, Hà Văn Tấn cùng Phạm Thị Tâm xuất bản cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, được các học giả Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh khen ngợi và Nguyễn Vinh Phúc coi là "một kiệt tác sử học". Đó là cuốn sách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước khi Người qua đời.

Ngôi sao học thuật đang lên

Năm 1958, vừa rời trường đại học bước vào nghề làm báo, tôi may mắn được nhận một căn gác hẹp tại ngôi nhà số 28 phố Lê Thái Tổ, ngay bên bờ Hồ Gươm, trong cùng một tòa nhà với bác Phùng Bảo Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và bác Chu Thiên, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Bóng nước Hồ Gươm, cán bộ tu thư trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Còn nhớ dạo đó, tôi thường chong đèn rất khuya ngồi đọc bộ sách nhiều tập Trung Quốc tư tưởng thông sử, nhất là các tập Hiển học Khổng - Mặc, Tư tưởng Lão - Trang, học thuyết Tử Tư - Mạnh Tử, v.v. của các tác giả Hầu Ngoại Lư, Triệu Kỷ Bân, Đỗ Quốc Tường, in năm 1957 ở Bắc Kinh, mặc dù bộ sách "xa vời" ấy chẳng liên quan gì đến công việc sự vụ "sát sườn" ở một tờ báo hằng ngày như tờ Hà Nội mới, nơi tôi làm phóng viên.

- Hàm Châu quê ở đâu? - Một hôm bác Chu Thiên chợt hỏi tôi.

- Cháu là dân Nam Đàn "tương cà dưa nhút", bác ơi!

- Thảo nào cậu có máu "đồ Nghệ"! 1 giờ đêm tỉnh giấc, nhìn lên căn gác cậu ở, mình vẫn thấy sáng đèn... Chắc cậu có quen Hà Văn Tấn? Chà, đất Nghệ Tĩnh quá cằn! Người Nghệ Tĩnh quá chăm! Tấn trông cũng gầy nhom như cậu!... "Thập tải độc thư bần đáo cốt!" (Đọc sách mười năm nghèo kiết xác! - Thơ Nguyễn Trãi). Chưa cộng tác với Hàm Châu, nên mình chưa biết vốn liếng Hán học của cậu ra sao. Chứ Hà Văn Tấn thì chữ Hán cừ lắm! Cậu ta là người đầu tiên báo cáo về chuyên đề Phương thức sản xuất châu Á trước Khoa Sử trường mình đấy! Rồi công bố bài Trở lại vấn đề tô-tem của người Việt nguyên thủy, rồi hiệu đính, chú thích bản dịch Dư địa chí...

Thái độ mến phục của một nhà văn già, am tường Hán ngữ khiến tôi, từ 50 năm trước, đã tò mò muốn tìm hiểu về "ngôi sao học thuật đang lên", như lời bác Chu Thiên nhận xét.

Tài năng xuất chúng lộ rõ trong công trình đầu tay

Năm 1960, khi cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380-1442) vừa được Nhà xuất bản Sử học in xong, bày bán ở hiệu sách Tràng Tiền, tôi liền mua ngay. Là một cây bút trẻ chuyên viết về Hà Nội, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách nhiều lần, đặc biệt là mục nói về đất Thượng kinh. Qua sách của Nguyễn Trãi, tôi mới biết, ở kinh đô Thăng Long thế kỷ 15, đã có phường Yên Thái làm giấy, phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải khổ nhỏ và lụa, phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Thịnh Quang nhiều long nhãn, Tây Hồ lắm cá to...

Dư địa chí được cụ cử nhân Hán học Nguyễn Duy Tiếp dịch từ nguyên văn chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Hẳn là GS Đào Duy Anh phải tin cậy lắm, mới dám giao cho Hà Văn Tấn, lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, hiệu đính bản dịch của một vị túc nho và chú thích, viết lời giới thiệu.

Gọi là "chú thích" nhưng dài tới 115 trang, gấp 3 lần "chính văn" (chỉ vẻn vẹn 38 trang). Cần phải dài như thế bởi vì, với lời "chú thích" ấy, phải định vị cho được các tên đất có trong sách qua các thời kỳ lịch sử xa xăm đến tận ngày nay. Và, do vậy, cần phải đọc hầu hết các ghi chép về địa lý Việt Nam qua các đời.

Về sau, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thử lập một bản "thống kê sơ bộ" thì thấy: Để tìm tài liệu cho phần "chú thích", Hà Văn Tấn phải đọc 30 bộ sách cổ Trung Quốc, 16 bộ sách cổ Việt Nam, trong số đó, chỉ mới có 1 bộ được dịch ra chữ Quốc ngữ, số còn lại đều phải đọc trong nguyên văn chữ Hán, như: Thủy kinh chú, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thục chí, Nam Thục chí... của các tác giả Trung Quốc; cũng như Toàn thư, Cương mục, An Nam chí lược... của các tác giả Việt Nam.

Trong bài Hà Văn Tấn như tôi biết, ông Nguyễn Vinh Phúc viết:

"Như vậy cái "phông" Hán học của tác giả dày dặn biết chừng nào! Quả như Corneille đã nói: Giá trị không đợi tuổi tác!"

Cũng ở phần "chú thích" ấy, Hà Văn Tấn còn chỉ ra một cách chính xác những chỗ sai lầm trong bản Dư địa chí hiện có, do người đời sau thêm thắt vào.

GS Phan Huy Lê cho biết: Dạo ấy, trong một buổi họp của Bộ môn Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, GS Đào Duy Anh đã nhận xét về công trình của Hà Văn Tấn: "Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả." GS Phan Huy Lê viết tiếp:

"Tài năng và phong cách khoa học của anh (tức Hà Văn Tấn) đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này. Anh rất coi trọng tư liệu, dày công tìm tòi, phát hiện tư liệu mới, giám định, xác minh từng chi tiết trước khi sử dụng."

Một kiệt tác sử học

Nhiều năm sau đó, một công trình khác của Hà Văn Tấn (viết chung với Phạm Thị Tâm) lại gây xôn xao dư luận, khiến tôi phải tìm đọc. Đó là cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 xuất bản năm 1968. Nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh đã viết bài hết sức khen ngợi, coi cuốn sách là một công trình sử học nghiêm túc, nhưng lại cuốn hút người đọc như một cuốn tiểu thuyết hay! Riêng tôi, hiếm khi được đọc một cuốn sử nào hấp dẫn đến thế! Chẳng phải "ngoa ngôn", tôi đã đọc nó không ít hơn... năm lần!

Để viết cuốn sách ấy, anh Tấn đã phải tham khảo ngót trăm cuốn sách khác, bằng đủ các thứ tiếng.

Bộ Sử biên niên viết bằng chữ Ba Tư của nhà sử học thế kỷ 13 Fazl Allah Rasid ud-Din ở vùng Iran hiện nay, anh cũng không bỏ sót. Chính nhờ anh mà ngày nay chúng ta được biết: Ngay từ thế kỷ 13, chiến thắng của Kiefce-Kue (Giao Chỉ quốc) đánh bại Tugan (Thoát Hoan) đã vang vọng tới tận miền Tây Á xa xôi, khiến nhà sử học thành Hamadhan (gần Teheran) không thể không ghi lại một cách thán phục trong bộ Sử biên niên của ông.

Ta hãy đọc một đoạn ngắn trong bộ Sử biên niên:

"Tugan đem quân vào nước đó (tức Giao Chỉ quốc) chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy một tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi xuất hiện những đội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang lo cướp bóc. Tugan trốn thoát và lại trở về đóng ở Lukin-fu".

Như trên đã nói, Tugan đọc theo âm Hán-Việt là Thoát Hoan; còn Lukin-fu là Long Hưng phủ (thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay).

GS Hoàng Xuân Hãn khen ngợi khám phá của Hà Văn Tấn về nguồn sử liệu Ba Tư, A Rập mà trước anh chưa ai đọc nổi.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc coi cuốn sách của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm là "Một kiệt tác sử học".

Cuốn sử được Bác đọc trước lúc đi xa

Tất nhiên, trước hết, Hà Văn Tấn phải tham khảo rất nhiều các sử liệu của nước ta mà anh có thể tìm kiếm được về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, như bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, hay bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn; rồi đọc kỹ các bia ký, như bia công chúa Phượng Dung, vợ Trần Quang Khải, hay bài minh khắc trên quả chuông ở Bạch Hạc ghi lại cuộc chiến đấu của Trần Nhật Duật.

Ngay cả cuốn An Nam chí lược của Lê Trắc cũng được Hà Văn Tấn để mắt tới. Ai cũng biết Lê Trắc là môn khách của Chương Hiến hầu Trần Kiện đã cùng chủ đầu hàng quân Nguyên năm 1285. Và cuốn sách kia được viết đầu thế kỷ 14, trên lập trường phản động, luôn ca ngợi quân giặc. Tuy nhiên, sách có chép những thư từ qua lại giữa vua Trần và vua Nguyên, thư của các sứ thần, quan lại. Đó là những tư liệu cần thiết để nghiên cứu quan hệ ngoại giao Việt - Nguyên trong giai đoạn ấy. Và, đôi khi, Lê Trắc cũng không che giấu nổi những thất bại nhục nhã của lũ cướp nước và bán nước.

Cũng với thái độ chọn lọc và phê phán, Hà Văn Tấn đọc rất nhiều bộ Nguyên sử, nhất là phần Liệt truyện, tập trung ở An Nam truyện và Chiêm Thành truyện; rồi đọc các bia ký Trung Quốc đời Nguyên có liên quan đến các viên tướng sang đánh Đại Việt, cũng như các tập thơ của các sứ thần nhà Nguyên sang Đại Việt, như Trần Phu đến Thăng Long năm 1292, nói lên nỗi lo lắng, kinh hoàng qua bài thơ Sứ hoàn cảm sự (Cảm nghĩ sau khi đi sứ trở về):

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh!

Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại

Mộng hồi do giác chướng hồn kinh!

(Trong bóng dáo mác, quặn lòng đau khổ

Nghe tiếng trống đồng, bạc cả mái tóc!

May mà trở về, thân mình mạnh khỏe

Nằm mê chuyện cũ, hồn vẫn còn kinh!)

Như nhiều người đã biết, cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc chẳng bao lâu trước khi Người qua đời. Người gửi lời thăm hỏi hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm.

Hàm Châu
(Còn nữa)