Thủ tục để làm người còn sống - “Quả bom” thời hậu chiến:
Kỳ cuối: Lời gợi mở cho một nghị quyết
(Dân trí) - Đầu tháng 8/1988, cơ quan chính sách huyện Vũ Thư định tổ chức một cuộc họp để thông báo sự việc Trần Quyết Định đào ngũ, thu hồi di vật... Nhưng cuộc họp đó đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhân dân, nên buổi sáng phát giấy mời, buổi chiều phải thu lại. Tuy nhiên, sự kiện này đã tác động to lớn đến gia đình ông Vọng.
Ý tưởng cực đoan
Chiều 8/10/1988, Minh Chuyên đang ở nhà thì chị Mị, vợ Trần Quyết Định, hớt hải đến vừa khóc vừa nói: “Anh Định nhà em bỏ nhà đi đâu mấy hôm nay rồi. Anh ấy mang cả chai thuốc trừ sâu đi. Anh ấy mà liều thì khổ mẹ con em lắm. Nếu nhà em không nhờ anh viết bài thì đâu đến nông nỗi này. Anh phải về ngay giúp em với”. Minh Chuyên bủn rủn chân tay. Sự thể không ngờ lại đến nông nỗi này.
Không kịp cơm nước, Minh Chuyên tức tốc về Minh Khai. Đêm ấy chờ đến hơn 23 giờ, Định mới về. Minh Chuyên nhìn Định rồi van vỉ: “Em, nếu em liều thì anh chỉ còn cách chết mà thôi. Khổ quá, vì anh viết bài báo mà em ra nông nỗi này...”. Định khóc, Minh Chuyên cũng khóc. Mấy đứa trẻ thức giấc thấy mọi người khóc cũng oà khóc theo. Nhiều người đến thấy thế ai cũng ái ngại.
- Tại nhà Định hôm đó, tôi đã hứa với Định rằng sẽ rạch bụng mình để chứng minh cho chân lý. Khi lên Hà Nội để họp cuộc họp cuối cùng, tôi đã thủ một con dao. Một người bạn tôi sau khi can không được đã khuyên rằng nên rạch ở trên cao, nó chỉ toé máu thôi chứ nếu rạch ở dưới, lòi ruột ra là chết.
- Anh có nghĩ đó là hành động cực đoan?
- Tôi là người lính chiến đấu 10 năm ở chiến trường và đã từng bị thương. Tôi hiểu cái giá của máu xương nhưng đến nước này, tôi phải chấp nhận sự hy sinh. Đó là cách duy nhất để người cầm bút như tôi khi ấy tự bảo vệ mình.
Bản kết luận đẹp lòng cả hai phía
Thế nhưng trái với những dự định tiêu cực của Minh Chuyên, cuộc họp đã diễn ra trong không khí êm dịu và một bản kết luận làm đẹp lòng cả hai phía được thông qua. Thời gian sau, trên một số tờ báo như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Thái Bình... đều đăng nguyên văn bản kết luận do Thượng tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký.
Bản kết luận có đoạn: “Đồng chí Trần Quyết Định là con một gia đình công giáo chấp hành chính sách tốt, có ba con đi bộ đội đã chiến đấu ở biên giới Tây Nam, bị thương và được khen thưởng. Sau khi điều trị, đi tìm đơn vị không thấy bỏ về quê quán sinh sống bình thường. Việc giải quyết chính sách kéo dài 10 năm (thực tế là ngày 1/2/1987 mới đề nghị) do không đủ thủ tục hợp lệ (là trường hợp bỏ ngũ, không có giấy quyết định phục viên hoặc xuất ngũ). Tổng cục Chính trị quyết định: Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự Thái Bình vận dụng điều 2 Quyết định 191/ HĐBT tổ chức giám định thương tật và kiểm điểm đồng chí Trần Quyết Định...”
Đây là bản kết luận hết sức hợp tình, hợp lý. Nó trả lại quyền lợi chính trị khi khẳng định Trần Quyết Định không phải là kẻ đào ngũ, run sợ hay sa sút ý chí. Việc tổ chức giám định thương tật cho Trần Quyết Định nhưng đồng thời cũng kiểm điểm Định là hoàn toàn chính xác. Công là công, lỗi là lỗi.
Đối với tác giả và tác phẩm, tuy có nói đến những sai sót của tác phẩm và tác giả nhưng bằng việc công nhận quyền lợi của Trần Quyết Định cũng đồng nghĩa với việc công nhận tác phẩm và tác giả. Nhưng quan trọng hơn hết, kết luận này đã trả lại quyền đang sống của một người lính từ chiến trường trở về với ước mơ đơn giản là được làm một xã viên hợp tác xã.
Họ vẫn là đồng đội
Thế là cái việc làm tiêu cực mà Minh Chuyên dự định trong cuộc họp hôm đó đã không xảy ra. Và có lẽ trong những trường hợp tương tự, nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi đơn giản một điều, thành phần tham gia cuộc họp hầu hết đang là người lính hoặc đã từng là người lính. Họ đã dâng hiến máu xương và cả những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời này cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Và hôm nay, dù có những lúc tranh cãi căng thẳng và quyết liệt thì từ sâu thẳm, trái tim họ vẫn đập nhịp đập của người lính nhất là khi đối mặt với quyền lợi của một người đồng đội, binh nhất Trần Quyết Định.
Gần 20 năm qua, Trần Quyết Định đã trở lại đời sống của một người bình thường với đầy đủ thủ tục “của một người đang sống”. Anh đã có một gia đình đầm ấm, sống hòa thuận với xóm làng và là một giáo dân kính Chúa, yêu nước. Những kỉ niệm buồn về một thời đã qua gần như không còn vương vấn trên gương mặt người cựu chiến binh phúc hậu này. Chủ tịch UBND xã Minh Khai nói với chúng tôi về Định với giọng đầy tự hào...
Chợt ngơ ngẩn nghĩ nếu ngày đó, Trần Quyết Định trong một phút bồng bột dẫn đến quyên sinh thì cái giá của sự quan liêu là quá lớn. Sự quan liêu tưởng như vô tâm nhiều khi lại có một kết quả là tội ác..
Những hồi chuông dự báo
Giờ đây, khi ngồi viết lại chuyện này mới thấy thành tựu của công cuộc Đổi mới là vô cùng to lớn. Đặc biệt là cuộc chuyển mình của báo chí. Từ khi Đổi mới, báo chí không chỉ trực tiếp đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực mà còn gánh vác sứ mệnh bênh vực, bảo vệ người dân lương thiện “thấp cổ, bé họng”. Nếu các tác phẩm như Cái đêm hôm ấy đêm gì là viên đạn bắn vào những biểu hiện tiêu cực của đời sống xã hội ở nông thôn Việt Nam thì Thủ tục để làm người còn sống là tiếng kêu thảm thiết oan khiên của những kiếp người mong manh, lương thiện.
Và lại một lần nữa, không thể không nhắc tới sự cảnh báo của văn chương. Cái đêm hôm ấy đêm gì là lời cảnh báo về biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên ở nông thôn thì Thủ tục để làm người còn sống cảnh báo về tư tưởng quan liêu xa dân, rời dân, hống hách nhũng nhiễu dân. Đây là hai nguyên nhân sâu xa cơ bản làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng cũng như suy yếu sự lãnh đạo của Đảng như sau này Đảng đã hơn một lần đánh giá.
Chợt nhớ nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, nói với tôi tại nhà riêng của ông rằng sau vụ Cái đêm hôm ấy đêm gì, ông đã cảnh báo và nếu ngày ấy lắng nghe thì có thể đã không xảy ra sự kiện Thái Bình sau này. Phải chăng Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên là một trong những hồi chuông đầu tiên dự báo một tệ nạn nghiêm trọng mà gần 10 năm sau, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chống quan liêu, nhũng nhiễu và thực hiện dân chủ cơ sở.
Nhà văn thời hậu chiến
Sau “vụ” Thủ tục để làm người còn sống, Minh Chuyên dành toàn bộ tâm sức của mình để viết về đề tài hậu chiến và những nỗi đau da cam. Những tác phẩm của anh đã gây chấn động một thời như Nước mắt làng, Chiếc cũi trần gian, Tiếng chuông chùa, Đứa con màu da thú, Vào chùa gặp lại... Đặc biệt là bút ký Người lang thang không cô đơn viết về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc và tấm lòng nhân hậu, cao cả của gia đình ông bà Châu, người đã chăm sóc Thúc khi anh tâm thần, lang thang trên các vỉa hè Hà Nội. Tác phẩm đã được nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, chèo, vũ kịch, truyền hình, phim truyện nhựa... dàn dựng. Từ năm 1986, Minh Chuyên làm việc tại Ban chuyên đề Đài truyền hình Việt Nam. Anh đã gặt hái được tổng số 30 giải thưởng báo chí, văn chương các loại. Nhiều nhà thơ, nhà văn, phê bình văn học đều có chung nhận định: Minh Chuyên là nhà văn thời hậu chiến. |
Bùi Hoàng Tám