1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cõi “tiền âm” làng Cót

(Dân trí) - Chỉ còn một tuần nữa là tới rằm tháng 7. Làng Cót (Cầu Giấy - Hà Nội) đã rộn rã vào mùa sản xuất “tiền âm” cả tháng nay. Cả nửa làng từ bao năm, bao đời nay vẫn bám nghề để sống.

Vào vai một đại lý vàng mã ở Nam Định có nhu cầu lấy hàng gấp, chúng tôi đến những “đại gia” in tiền làng Cót. Giá hàng đã đội lên mấy giá mà vẫn không có để bán. Chúng tôi choáng ngợp trước quy mô, không khí sản xuất của làng nghề giải quyết nhu cầu của cả người âm và người trần.

 

Mặt hàng tiền âm của làng Cót đặc biệt đầy đủ, phong phú về chủng loại, từ lá bạc, lá vàng, xu xanh, xu vàng... tới đồng tiền Việt Nam, tiền đô Mỹ. Thế giới bên kia cũng phân biệt kẻ sang người hèn, nhà giàu thì đốt “tiền chất lượng cao” giấy trắng, dày, in hai mặt sắc nét; bần hàn thì dùng loại tiền cũ mỏng tang, nhòe nhoẹt.

 

Phân công lao động trong làng cũng đạt tới mức chuyên môn hóa cao, có nhà chỉ làm tiền đô, có nhà chỉ chuyên xu vàng, xu xanh... Mỗi gia đình luôn thường trực 5-7 lao động làm thuê mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Tiền âm làng Cót cung cấp cho hầu khắp các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra Bắc với lượng tiêu thụ khổng lồ.

 

Cõi “tiền âm” làng Cót - 1

Cõi “tiền âm” làng Cót - 2

Vân (quê Nam Định) chuyên việc cắt, xếp “tiền” thành từng tập 50 - 100 tờ cho nhà Vinh Thịnh. Đây là hộ chuyên in loại tiền 50.000 đồng Việt Nam. Công việc không đến nỗi vất vả, được trả 30.000-40.000/ngày công.

 

Mỗi xấp “đô la” như này gồm 1000 tờ bạc 100USD. Người cõi âm bây giờ cũng chuộng ngoại tệ hơn tiền Việt nên “đô la” luôn cháy chợ. Thậm chí chỉ mới nghe đồn Mỹ sắp lưu hành tiền mệnh giá 200USD thì làng Cót đã đưa vào in hàng loạt.

 

Cõi “tiền âm” làng Cót - 3

Cõi “tiền âm” làng Cót - 4

Những xấp “đô la” chất lượng cao in giấy Bãi Bằng vừa ra lò tại nhà Lan Chính. 9.000đ/1000 tờ là giá xuất buôn tại làng. Trên thị trường, người mua lẻ phải trả 20.000 đồng cho số “tài sản” khổng lồ này.

Đại lý vàng mã Sơn Thủy nằm ngay đầu làng. Ông chủ cửa hàng cho biết: “Bán cho người làng thì chẳng đáng bao nhiêu. Cửa hàng chủ yếu để giới thiệu, dẫn khách vào xưởng của gia đình chính trong làng”.

 

Lê Phương Thảo