Chuyện đời xe ba gác

(Dân trí) - Năm, sáu năm ở thành phố, tôi vẫn “trung thành” với kiếp ở trọ. Cũng chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần chuyển nhà. Tôi chạy xe ba gác, bình dân nên cũng đông khách. Khách hàng thuê chở đồ hay chất cố nên xe lúc nào cũng ì ạch phì phò. Thực ra lỗi đâu phải tại anh ba gác...

Đó là tâm sự của một người kéo xe ba gác, một nghề rất thông dụng ở TPHCM.

 

Thành phố tháng 5 thời tiết không quá nóng, trời đã ngã về chiều, dìu dịu gió. Vậy mà trên gương mặt người chở ba gác tên Thành mồ hôi chảy thành dòng. Gương mặt anh rất gầy guộc. Nó nhỏ quá so với bình thường, xương gò má và xương hàm trên một bên mặt đã không còn, gương mặt lõm vào như chỉ còn một nửa.

 

Anh giải thích: “Mặt tôi vầy cũng là do cái nghề này đấy. Hôm đó trời mưa to quá, cái bà chủ xưởng mộc ở quận 2 nhờ tôi chở gỗ. Mà dân buôn bán đúng là gian thiệt. Bả bảo gỗ vụn nhẹ xọp nên chất thêm máy thanh kèo nhỏ lên trên. Trời thì mưa, ai cũng muốn về cho nhanh. Chẳng hiểu sao cái xe tải trước mặt tôi phanh gấp quá. Tôi phanh không kịp. Vậy là nguyên chiếc ba gác đánh vào đít xe tải. Cái cây kèo tống thẳng vào mặt tôi nên mới ra vầy”.

 

Hôm đó vì trời mưa đường vắng người qua lại, xe tải gây ra tai nạn chạy mất, anh được người đi đường đưa vào bệnh viện. Sau tai nạn đó, anh xuống sức, mà cũng xuống “đời”: từ ba gác máy xuống thành ba gác đạp. Cái ba gác máy anh bán đi để lo tiền viện phí.

 

Anh tần ngần: “Làm cái nghề này lạ lắm, mọi người thì chửi, cảnh sát thì phạt, còn chủ thuê chở đồ thì dò xét mình như phạm nhân. Hồi tôi còn chạy ba gác máy, có chủ nhà chuyển đồ mà một xe máy chạy trước dẫn đường, một xe máy chạy sau hộ tống. Họ sợ mình chở đồ “dông” ấy mà. Cái nghề này thiệt tình cực chẳng đã mới phải làm thôi. Ai làm cũng cố ky cóp để…  bỏ nghề, chứ ai mà sống riết với nó được”.

 

Kiếm cơm bằng nghề này có lắm tai nạn bất thường. Hầu như chẳng có anh tài ba gác nào làm nghề được ba năm mà chưa một lần gặp tai nạn, không gãy tay gãy chân thì cũng sờn da tróc thịt. Như anh Tuấn quê ở Bạc Liêu có lẽ là một trong những người thê thảm nhất. Tai nạn trong khi chở xe ba gác khiến anh bị liệt nửa người, giờ nằm một chỗ nhờ vợ con chăm sóc.

 

Ngoài tai nạn, cảnh sát giao thông cũng là một nỗi lo thường trực của dân ba gác. Dù ba gác TPHCM không bị cấm như ở các tỉnh lân cận nhưng hầu hết các con đường chính đều cấm xe ba gác lưu thông.

 

Anh Xuân, 23 tuổi đời, 9 tuổi nghề, ngậm ngùi: “Còn chạy được là còn may. Nếu cấm xe ba gác luôn như các tỉnh miến Tây thì mới chết. Vì cái xe sắm gần 6 triệu biết bán cho ai. Rồi làm nghề gì sống tiếp đây? Thế là còn may”.

 

May mà không gặp tai nạn, may mà khách đồng ý trả thêm cho chút tiền, may mà không gặp cảnh sát giao thông, may mà chưa bị cấm... Lạ, cái nghề phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt thế này mà cũng phụ thuộc vào lắm điều may rủi!

 

Tùng Nguyên