1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chợ phiên Cao Hùng

Nghe một số người ở Cao Hùng (Đài Loan) kháo nhau đi chợ phiên, tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. Một thành phố hiện đại có toà nhà 85 tầng từng cao nhất Đài Loan (chỉ mất "ngôi" sau khi toà "Taipei 101" tầng được xây dựng và đi vào hoạt động)... Thế là lần đầu tiên tôi đi chợ phiên ở Đài Loan.

"Chợ Ngọc"...

Đường Thập Toàn - một con đường nhỏ không có gì đặc biệt để đáng nhớ nếu không có khu chợ Ngọc nổi tiếng bán các món trang sức dành cho phái yếu. Một người Đài quen biết, cười bảo tôi: "Đi xem đi, biết đâu lại chọn mua được mấy món làm kỷ niệm hoặc làm quà cho bạn bè...". Câu nói này càng khiến tôi chăm chú quan sát khi bước vào chợ.

Quan sát khắp lượt, nhận xét đầu tiên của tôi là chợ Ngọc, nhưng mặt hàng ngọc được bày bán rất ít. Đa số là các loại đá nhiều màu sắc dùng làm đồ trang sức, như lắc đeo tay, vòng đeo tay, các chuỗi hạt, mặt dây chuyền... Nhiều loại cẩm thạch dùng để làm con dấu, cũng có dùng làm tượng hình nhân, động vật. Một loại đá lần đầu tôi thấy, được xẻ đôi để lộ bên trong ruột rỗng với những thạch nhũ sắc màu lóng lánh. Có hòn chỉ to bằng bát phở, nhưng cũng có hòn to và cao 50-60cm.

Bà Khương Quân Phương - một giáo viên người Đài - cho tôi biết: "Vài năm trước, khi loại đá này mới du nhập vào Đài Loan, giá rất đắt. Bây giờ thì đã rẻ hơn nhiều. Nhưng có hòn phải một-hai vạn tệ" (khoảng từ 5-10 triệu đồng VN - PV). Loại đá này, hòn nhỏ có thể để trong hồ cá, tương phản với ánh đèn sẽ phát quang nhiều màu sắc rất đẹp. Loại to, theo bà Phương, người Đài thường để trong góc phòng, nghe nói sẽ tốt cho sức khoẻ.

Sau đá đến bạc. Các mặt hàng như đồng hồ vỏ bằng bạc, dây chuyền, nhẫn bạc... với giá khá rẻ, có món chỉ vài chục ngàn đồng VN. Nhưng theo lời bà Phương, trong mớ hỗn độn đó cũng có đồ giả, đồ nhái. Những sản phẩm này cốt phục vụ cho nhu cầu trang sức mười bữa nửa tháng của lứa tuổi vị thành niên và những nam nữ thanh niên thích những kiểu trang sức hơi kỳ quái, lạ mắt và thay đổi theo mùa.

Phía sau khu nhà lồng là những gian hàng bán các loại tượng gỗ đủ loại trông cũ kỹ. Cô chủ trẻ của sạp hàng bán những đồng tiền cổ bằng đồng thoáng thấy tôi đã nhanh mồm "hoan nghinh quang lâm". Tôi hỏi "đây có phải tiền cổ thật không?" thì cô trả lời: "Tiền cổ thật thì lấy đâu ra nhiều như vậy...".  

Đóng vai một người chuyên buôn những mặt hàng "độc" về VN, tôi ghé lại sạp hàng B4. Bà chủ sạp họ Hà hồ hởi: "Cứ xem thoải mái đi...". Bà Hà là dân tỉnh Phúc Kiến, vượt eo biển hơn trăm hải lý mang hàng sang Đài Loan bán. Đưa cho tôi xem một pho kinh chữ Hán khắc trên các thanh gỗ mỏng có thể xếp lại được một cách gọn gàng, bà Hà xuýt xoa: "Kỳ công lắm đó, cả tháng chưa chắc đã làm xong một pho kinh này đâu". Rồi  bà lần lượt giới thiệu các món hàng...

Chợ đồ cũ

Từ chợ Ngọc đến chợ đồ cũ nằm cùng trên đường Thập Toàn không quá 500m. Bên ngoài cùng là những chiếc ôtô con xếp hàng dài để bày bán, đủ các hiệu từ BMW, Toyota, Ford đến Nissan, Honda... Có nhiều chiếc nhìn bề ngoài còn mới tới 80-90%. Bước vào khu giữa chợ, tôi cũng thấy đậu đầy ôtô. Nhưng khác là, những chiếc ôtô này dùng để chở hàng. Khi cửa thùng xe phía sau được mở ra, căng nối thêm mấy tấm bạt che mưa nắng, chiếc xe đã trở thành sạp hàng di động. Chợ chỉ có mỗi một phiên vào ngày chủ nhật.

Ông Trần hỏi tôi: "Anh từ đâu đến?". "Việt Nam" - tôi trả lời. "Qua đây làm thuê hả?". "Ông đoán xem tôi sang đây làm gì?...". Ông Trần cười phân bua: "Thì tôi thấy người VN sang đây nếu không phải là cô dâu thì cũng lao động nên hỏi vậy mà...". Nhiều tháng ở  Đài Loan, tôi đã quá quen với cách nhìn nhận này, nên chả trách ông Trần. Tôi chuyển hướng câu chuyện: "Ông bán đắt hàng không?". "Chán lắm, trời nóng chả có khách mấy. Nhiều người còn không thèm đến mở hàng nữa kia..." - ông Trần xìu giọng. Thảo nào mới khoảng 4 giờ rưỡi chiều mà ông Trần đã bắt đầu gom hàng cất vào thùng xe, sớm hơn bình thường một tiếng đồng hồ. 

Chợ đồ cũ hẳn nhiên có bán từ "thượng vàng" đến "hạ cám". "Thượng vàng" ở chợ này đứng đầu là những chiếc ôtô, sau đó mới lần lượt đến các loại tivi, đầu máy, đầu karaoke, ampli, cassette... còn "hạ cám" thì nhiều vô kể. Điều khiến tôi thêm một lần ngạc nhiên là nhiều sạp bày bán các món hàng cũ nát tưởng như không thể dùng được nữa. Một chiếc headphone trầy trụa, một con ốc vít gỉ sét, mấy con chuột vi tính - viên bi bên trong đã chai lỳ... Nghe tôi kể ra, bà Phương cười: "Biết đâu lại có người mua thì sao. Hàng lạc xoong là thế, những thứ tưởng chừng không ai mua nữa có khi lại bán được với giá hời cho những người đang cần chúng". 

Dự đấu giá hàng "tuyển"

Trong lúc các chủ sạp trong chợ đồ cũ rền rĩ vì ế ẩm thì ở một góc chợ tập trung khá đông người, đó là nơi đang diễn ra đấu giá các món hàng trang sức làm bằng đá cẩm thạch.

Tôi len lỏi vào giữa nơi đặt hai dãy bàn xếp thành hình chữ T. Dãy bàn phía đầu dành cho người chủ trì cuộc đấu giá đứng giới thiệu các món hàng và một phụ tá ngồi bên cạnh có nhiệm vụ gói lại các món hàng không có ai mua. Dãy bàn còn lại là nơi khách ngồi nêm chật. Đa phần trong số họ đã ngồi ở đây từ lúc gian hàng đấu giá từ buổi trưa, nhẫn nại và chờ đợi mua các món hàng vừa ý.

Họ là khách ở gian hàng đấu giá, nhưng có người là chủ các sạp bán những mặt hàng tương tự ở các khu chợ khác tại Cao Hùng hoặc ở những huyện như Bình Đông, Đài Nam, Đài Đông... Vì gian hàng đấu giá như là đầu mối nên các "lảo pàn" (ông chủ) từ các nơi trên đến để "tuyển" hàng về bán lại. Người mua về để sử dụng hoặc làm quà cũng có, nhưng không nhiều. Thể thức đấu giá được ghi vắn tắt: Mức giá sàn cho mỗi món hàng là 100 Đài tệ, đến 150-200-300 và 500 là giá trần. Tôi đang  nói chuyện với một khách hàng nữ gần bên thì đột nhiên chị ngừng lời, tay phải liền vung ra ném lên bàn một mẩu giấy vo lại màu đỏ. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đó là tờ 100 Đài tệ. Chị giải thích: "Thấy món hàng ưng ý phải ra tay nhanh, chứ không người khác chộp mất".

Lần lượt từng món hàng đặt trong khay được đẩy nhẹ trên mặt bàn. Người chủ trì nêu tên món hàng, rồi xướng giá, thỉnh thoảng lại dùng một thanh cây nhỏ gõ nhẹ vào món hàng để chứng tỏ nó được làm bằng đá thật và cũng để tạo ra những âm thanh thu hút khách hàng...

Theo Thẩm Hồng Thuỵ
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm