1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống CANDVN (19/8/1945-19/8/2012)

Anh hùng Nguyễn Tài - Tài năng, đức độ, bất khuất, kiên cường

(Dân trí) - Nhiều lần tôi được nghe ông Nguyễn Thanh, nguyên Bí thư Đảng uỷ Bộ Công an nói về Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tài. Có dịp dược tiếp xúc với ông, tôi thấy cần có một bài viết về người cán bộ công an tài năng, đức độ, bất khuất, kiên cường này.

1

Anh Nguyễn Tài xuất thân từ một gia đình trí thức cách mạng yêu nước, có đến gần mười người bị địch bắt tù đầy: bố - nhà văn Nguyễn Công Hoan; chú Nguyễn Công Miều (tức Lê Văn Lương); cậu Nguyễn Vịnh; anh Nguyễn Tài Khoái…

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Tài đã luôn là một học sinh giỏi, Tham gia cách mạng năm 1944, hoạt động trong thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu; năm 1945, Nguyễn Tài được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương rồi được cử đi học, tốt nghiệp trường Quân chính kháng Nhật trên chiến khu Việt bắc.

Đồng chí Nguyễn Tài trong trại giam của C.I.A. Mỹ ở Sài Gòn năm 1974.

Đồng chí Nguyễn Tài trong trại giam của C.I.A. Mỹ ở Sài Gòn năm 1974. 

Có tài về văn chương, báo chí, là con nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, anh được anh Võ Nguyên Giáp giới thiệu làm việc trong tòa soạn báo “Nước Nam mới” đặt tại

khu giải phóng. Sau Cách mạng tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Tài về làm việc tại Sở Công an Bắc bộ. Tháng 10/1946, đồng chí Nguyễn Tài là người cán bộ công an đầu tiên đã đến sở Kiểm duyệt Bắc kỳ xin giấy phép cho ra báo “Công an Mới”. Báo Công an Mới ra số đầu tiên ngày 1/11/1946, tiền thân của Báo Công an nhân dân hiện nay.

Năm 1947, đồng chí Nguyễn Tài đã tham gia Thành ủy Hà Nội, là Phó Giám đốc Công an Hà Nội, là một trong những người đầu tiên của thành ủy được cử vào hoạt động trong hậu địch ở nội thành Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài nhiệm vụ riêng của ngành công an, đồng chí còn được phân công phụ trách công tác trí thức vận trong nội thành.

Năm 1954, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyễn Tài cùng Trần Vĩ, hai thành ủy viên Hà Nội được cử tham gia phái đoàn Chính phủ Việt nam trong hội nghị Phù Lỗ thảo luận việc Pháp bàn giao khu vực Hà Nội vừa bị tạm chiếm cho phía nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Tài đã tham gia Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương, tiếp quản Hải Dương rôi sau đó tiếp quản khu 300 ngày thành phố Hải phòng.

Năm 1958, ở tuổi 32, đồng chí Nguyễn Tài đã nhận quyết định làm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị của Bộ Công an, tiền thân của Tổng cục An ninh, Tổng cục Tình báo sau này.

Năm 1964, khi giặc Mỹ tăng cường quân xâm lược Việt Nam, đồng chí Nguyễn Tài tự nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam trên một chuyến tầu không số, là người cán bộ có chức vụ cao nhất ngành công an được cử vào chiến trường miền Nam thời gian này.

2

Trong Nam, đồng chí lấy biệt danh là Tư Trọng, được phân công làm trưởng Ban An ninh T4 thành phố Sài Gòn - Gia Định. Ngày 23/12/1970, trong một chuyến công tác, đồng chí Nguyễn Tài bị địch bắt. Bị cùm kẹp, tra tấn dã man ở các nhà tù Bến Tre, Cần Thơ, trại giam sư đoàn 7 ngụy, Nguyễn Tài vẫn lạc quan tin ở ngày thắng lợi, vẫn làm nhiều bài thơ trữ tình cách mạng.

Xin giới thiệu bài thơ "Đôi mắt”, ông viết trong tù tháng 12/1971 khi nhớ đến đôi mắt của người con Nguyễn Trường Đại ở miền Bắc (Cậu bé Nguyễn Trường Đại thời ấy hiện nay đang là Cục phó Cục Thông tin liên lạc Bộ Công an).

Đồng chí Nguyễn Tài trong trại giam của C.I.A. Mỹ ở Sài Gòn năm 1974.

Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn (2 từ trái) và đồng chí Huỳnh Viết Thắng (4 từ trái), gặp đồng chí Nguyễn Tài (3 từ trái )sau khi đồng chí Nguyễn Tài được giải thoát khỏi nhà tù của Mỹ - chính quyền Sài Gò năm 1975.

“Hằng đêm, cứ hằng đêm. Khi phòng giam chật ních. Thú vật lẫn với người. Đôi mắt ấy hiện lên

Phải, đôi mắt đen láy của bé Đại! Đúng rồi! Con như muốn hỏi Bố:Bố thương chúng con không?

Con yên tâm con ạ. Bố quyết thắng quân thù. Giữ bí mật của Đảng. Và danh dự Con Người

Rồi mai đây gặp lại. Trong niềm vui vô bờ. Bố về nhà thấy con. Cùng bạn bè quen thuộc”

Tháng 11/1971, đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, nhân danh Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam, viết thư đến Đại sứ quán Hoa Kỳ ở miền Nam, đặt vấn đề trao đổi tù binh Nguyễn Tài với tù binh Mỹ Duglas Ramsey, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ bị bắt năm 1966, tù binh Mỹ có chức vụ cao nhất miền Nam trong thời gian này. Phía Hoa Kỳ đã chối từ với lý do tù binh Nguyễn Tài là một nhân vật Việt Cộng quá quan trọng, không thể đổi lấy nhân vật tù binh Ramsey của Mỹ lúc ấy.

Đến năm 1972, địch đưa đồng chí Nguyễn Tài về Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia Sài Gòn. Tại đây, lực lượng C.I.A. Mỹ trực tiếp đảm nhiệm việc tra tấn, thẩm vấn tù nhân chính trị Nguyễn Tài. Một nhân viên tình báo Mỹ có tên Franfk Sneep đã từng hỏi cung tù nhân Nguyễn Tài, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo L’ Express đã nói: “Người ta giam ông trong một phòng giam nhỏ bé sơn trắng, đèn cao áp bật sáng suốt ngày đêm, làm lạnh bởi một máy điều hòa nhiệt độ có công suất cao, nhiều lần tra tấn bằng đủ mọi cách nhưng ông không bị khuất phục, chưa khi nào xác nhận đầy đủ mình là ai cả… ”

Đồng chí đã bị địch liệt vào danh sách tù nhân chính trị bị đưa đi thủ tiêu.

Trong một số lần nói chuyện với bạn hữu, đồng chí Nguyễn Tài tâm sự: “… Khi còn trong tù, bữa cơm trưa ngày 26 tháng 4 năm 1975, bọn địch mang tới cho tôi một bát canh dưa. Bưng bát canh lên, thấy có mùi lạ, tôi nghi ngờ, nói vì sợ bị bệnh đường ruột rồi đã bỏ bữa ăn trưa ấy. Có lẽ do vậy mà tôi đã thoát chết hôm đó?.....”.

Trong cuốn Decent Interval (Khoảng cách vừa phải), nhân viên C.I.A. Frank Sneep viết:

“…Trước khi xe tăng Bắc Việt tràn vào Sài Gòn, một quan chức cấp cao của C.I.A. đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn cho thủ tiêu Tài bằng cách cho y lên một máy bay bay trên biển và ném y xuống biển Nam Hải từ độ cao mười ngàn bộ…”.

Mệnh lệnh chưa được thực hiện thì ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng.

3

Nguyễn Tài được bộ đội ta giải thoát khỏi nhà tù số 3 đường Bạch Đằng.

Khi nói về đồng chí Nguyễn Tài, đồng chí Nguyễn Thanh, nguyên Bí thư Đảng uỷ Bộ Công an, người đã làm việc cùng đồng chí Nguyễn Tài từ năm 1946 và nhiều năm sau, cho biết: “Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường có nhận xét rất tốt về đồng chí Nguyễn Tài. Thời kỳ đồng chí Trần Quốc Hoàn lâm bệnh, có lần khi được hỏi về dự kiến chọn người thay thế làm Bộ trưởng Công an, đồng chí suy nghĩ rồi đắn đo nói: “Có thằng Tài thì nó lại đang ở trong Nam rồi”. Ngày 30/4/1975, khi đồng chí Nguyễn Tài được giải thoát khỏi ngục tù, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cùng đồng chí Huỳnh Viết Thắng, Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và một số cán bộ công an đến tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Tài tại Sài Gòn. Sau đó, Nguyễn Tài nhận quyết định làm ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban An ninh rồi Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian sau, sau khi ra Hà Nội chữa khỏi bệnh, đồng chí Nguyễn Tài được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an).

Ở cương vị Thứ trưởng một thời gian, đồng chí được điều động về công tác tại Ủy Ban Thanh tra Nhà nước rồi về làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho đến khi nghỉ hưu năm 1992.

Thời gian này, tôi là phó Tổng Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Tổng Cục. Làm việc cùng đồng chí Nguyễn Tài, tôi rất khâm phục cách làm việc khoa học, có hiệu quả cao của đồng chí.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư đặc Khu ủy Sài gòn - Gia Định, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người đã có thời gian hoạt động với đồng chí Nguyễn Tài, trong bức thư đề suất với Đảng và Nhà Nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Nguyễn Tài, đã viết: “Quá trình hoạt động cũng như quá trình đấu tranh kiên trì, mưu trí khi bị địch bắt trong kháng chiến chống Mỹ của đồng chí Nguyễn Tài cho thấy đồng chí thực sự xứng đáng là một anh hùng. Sau giải phóng, đồng chí đã kiên trì, thẳng thắn đấu tranh có nguyên tắc để bảo vệ mình trước những nghi vấn về thời gian bị địch bắt giam cầm và đã được các cơ quan của Đảng xác nhận việc đó, càng làm sáng tỏ hơn phẩm chất anh hùng của đồng chí”.

Và rồi, năm 2002, đồng chí Nguyễn Tài đã rất xứng đáng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh”.

Trong buổi đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2002, đồng chí Nguyễn 

Trong buổi đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2002, đồng chí Nguyễn Tài cùng phu nhân (2 và 3 từ trái).

*

Khi đã nghỉ hưu, 5-7 năm trước, đồng chí Nguyễn Tài còn thân tình dành thời gian thăm

lại những bạn bè, bà con thân thuộc ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khắp miền đất nước.

Thời gian gần đây, do điều kiện sức khỏe, không thể ra ngoài nhà, đi thăm bạn hữu nhưng nhiều bạn bè, người thân vẫn thường thân mật đến thăm ông. Trong căn phòng giản dị, nhỏ bé trên tầng cao của ông tại một khu chung cư Quận Cầu Giấy – Hà Nội, khi chuyện trò tâm sự với ông Nguyễn Tài, bạn hữu, người thân thường có chung nhận định:

Từ xưa tới nay, ở bất cứ đâu, Nguyễn Tài luôn chân thành, khiêm tốn, giản dị, thẳng thắn. Vào tuổi gần 90 vẫn minh mẫn, sáng suốt, người cán bộ Công an ấy thật xứng đáng với những tiếng: “Tài năng, đức độ, bất khuất, kiên cường” mà mọi người vẫn ca ngợi ông.

Đỗ Sâm