1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ kỳ án trong lịch sử tố tụng:

200 nghìn đồng và 4 tháng tù giam (kỳ cuối)

(Dân trí) - Trong buổi sáng ngày 10/3/2000, chúng tôi chuẩn bị tài liệu và máy ghi âm để chiều làm việc với Giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Chuyên: "Sơ sểnh là chết đấy". TBT Trần Quang Quý nhắc như vậy. Hoá ra nhà báo cũng sợ công an chứ chẳng riêng gì bà Nga.

Thôi thì vận hạn của tôi

Nhớ lại, khi TAND TP Hà Nội quyết định tạm tha bà Dương Thị Nga để điều tra, trong túi bà Nga không có một đồng bạc nào. Công an ở trại giam đưa cho bà 60 nghìn đồng để mua vé xe về nhà, bà Nga chạy như bị ma đuổi, không dám nhận vì sợ công an cài bẫy. "Xưa nay chỉ có dân đưa tiền cho công an thôi chứ làm gì có chuyện công an đưa tiền cho dân. Việc này chắc là họ có ý gì đó rồi" - bà Nga nói với tôi như vậy.

Tôi nói:

- Luật sư của chúng tôi thắc mắc rằng tại sao trước toà bà không kêu oan, không chống án?

- Tôi sợ quá anh nhà báo ạ! Cái ôtô bịt kín, tối om đưa tôi ra toà. Chỉ mỗi mình tôi với toà và công an thôi, ngoài ra không có ai cả. Tôi chỉ run và khóc thôi chứ còn dám nói gì. Ở công an quận, tôi đã kêu oan rồi. Nhưng tôi vừa kêu oan là họ xích chân tôi vào gầm ghế ngay. Thôi thì kiếp nạn nó đến thì mình phải chịu vậy. Với lại, họ bảo: "Án của mày không nặng đâu, chỉ bốn, năm tháng tù thôi, gắng mà chịu đựng".

Tôi mang theo cả một chiếc cặp đầy cứng tài liệu của toà soạn về vụ án này đã khá nhiều. Ngoài các tài liệu điều tra từ Hải Dương và Sơn La mang về còn có bản tường thuật tỉ mỉ phiên toà xét xử vụ án Dương Thị Nga do một vị thẩm phán ở Hà Nội (đã nghỉ hưu) cung cấp cho tôi.

Họ đều là anh em chúng ta cả

Nhưng, sự chuẩn bị của chúng tôi hoá thừa. Ông Phạm Chuyên không phản bác một chi tiết nào trong các bài báo của chúng tôi về vụ án này. Ông thân mật hỏi thăm sức khoẻ và tình hình phát triển của báo rồi đề nghị hai bên nên hợp tác giúp đỡ nhau. Vụ án Dương Thị Nga được đề cập sau cùng. Ông Phạm Chuyên nói:

- Vì bản án đã có hiệu lực pháp luật nên muốn sửa phải tiến hành nhiều thủ tục và phải có thời gian. Nhưng nếu các cơ quan chức năng kết luận bà Nga vô tội thì quận của tôi có lỗi. Trong trường hợp đó, theo các đồng chí thì ta nên kỷ luật số anh em công an tham gia vụ án như thế nào? Họ đều là anh em chúng ta cả.

Tổng Biên tập Trần Quang Quý nói: - Việc này thuộc quyền của đồng chí Giám đốc Công an Thành phố, báo không dám có ý kiến. Nhưng, phản ứng của công luận về vụ án này là vô cùng mạnh mẽ. Đồng chí Giám đốc cần lưu ý điều này khi xử lý các cán bộ cấp dưới.

- Công luận là anh, hướng dẫn công luận là anh. Anh em ở quận đó tốt lắm. Nếu nhận án kỷ luật thay được, tôi sẵn sàng đứng ta nhận thay cho anh em.

Ra trước nghị trường

Cuộc gặp gỡ ông Giám đốc công an dù sao cũng giúp chúng tôi có thêm thông tin. Một là qua cuộc gặp cho thấy phía công an đã biết mình sai. Hai - vụ án Dương Thị Nga đang vào giai đoạn kết.

Về toà soạn, tôi đóng cửa phòng, viết ngay bài báo tiếp theo về vụ án này với giọng "căng" hơn các bài báo trước: Theo Bộ Luật hình sự sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá X thì với tội chiếm đoạt tài sản công dân, nếu dưới 500.000 đồng và đối tượng phạm tội lần đầu thì không khởi tố vụ án.

Theo quy định của Luật tố tụng, trong trường hợp bắt người cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt. Như vậy, trong vụ án bà Dương Thị Nga, thậm chí không cần phải lên tận Sơn La để điều tra như Công an Hà Nội đang làm cũng đủ cơ sở pháp lý kết luận bà Nga vô tội. Việc điều tra kỹ hơn chỉ để xác định xem các cơ quan tố tụng và xét xử ở Hà Nội đã sai trái tới mức nào mà thôi.

Vấn đề làm nhiều người quan tâm nhất lúc bấy giờ là nên xử lý các cán bộ làm trái trong vụ án bà Dương Thị Nga như thế nào cho thoả đáng?

Đây là một vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Những người thi hành luật pháp đã bắt người vô cớ, giam người vô tội, xâm phạm thô bạo quyền của công dân, gây phản ứng mạnh mẽ trong công chúng, làm giảm niềm tin của nhân dân vào luật pháp của nước ta. Xử lý những người sai phạm như thế nào phụ thuộc vào cái tâm và sự chính trực của các nhà chức trách ở Hà Nội"...

Lúc này, tại Hội trường Ba Đình đang diễn ra kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá X. Các đại biểu đã trực tiếp chất vấn Chủ tịch Quốc hội gần nửa giờ liền về vụ án này. Nhiều tờ báo đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong hội trường và những câu hỏi được đặt ra: Tại sao một cơ quan quyền lực thượng đỉnh lại không bảo vệ được một công dân bị hàm oan? Tại sao đến giờ các cơ quan thi hành pháp luật vẫn im lặng? Đại biểu Nguyễn Quốc Thước (Nghệ An), còn đòi bỏ tù những người đã bắt oan và phạt tù oan bà Nga.

Ai là kẻ "xưng xuất"?

Các cơ quan thực thi luật pháp im lặng vì họ còn bận đi điều tra. Chứng cứ ngoại phạm của bà Dương Thị Nga thì báo chí và các nhà chức trách ở Sơn La đã cung cấp đầy đủ rồi. Nhưng còn một câu hỏi mà cơ quan Công an chưa trả lời được là: Vì sao bà Phạm Thị Lê lại vu oan giá hoạ cho bà Nga?

Không lẽ vô cớ mà người ta làm hại người khác. Nhất định phải có căn nguyên. Phải tìm cho ra động cơ nào mà bà Lê làm việc đó? Nếu chưa trả lời được câu hỏi này, vụ án Dương Thị Nga vẫn còn treo một điều nghi vấn. Một trung tá của cơ quan Thanh tra Bộ Công an được giao điều tra làm rõ vấn đề này. Và sự thật đã được làm rõ.

Bà Phạm Thị Lê có một người em gái, tên là Phạm Thị Tý, lấy chồng ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá. Ngày 5/10/1999, Bà Lê vào Bỉm Sơn chơi với bà Tý thì được biết bà Tý đang nằm điều trị ở bệnh viện K vì một khối u xơ ở ngực.

Ngày 7/10/1999, bà Lê từ Bỉm Sơn, ra bệnh viện K để nuôi em. Khi bà Lê đi, chồng bà Tý có gửi cho vợ 200.000 đồng. Số tiền này, bà Lê đã đem chơi đỏ đen với bọn cò viện ở khu vực bệnh viện K và thua sạch.

Khi bà Nga về bệnh viện K khám thường kỳ, bọn cò viện đã gạ bà nếu muốn khám ngay thì đưa tiền để chúng lo lót cho, còn không thì đến mùa quít cũng chưa đến lượt. Song, bà Nga không đồng ý mà cứ găm giấy, xếp hàng chờ khám. Đã thế, bà Nga còn muốn gặp cán bộ bệnh viện để báo cáo về việc xấu này.

Vì thế, chính bọn cò viện đã mưu mô với bà Lê để "dạy cho bà Nga một bài học". Khi bà Lê vu oan cho bà Nga, cũng chính bọn cò viện đã bắt bà Nga, giao cho công an phường Hàng Bông. Khi chúng tôi làm việc với bệnh viện K, ông Đào Bính - Trưởng phòng Tổ chức Hàng chính của BV đã cho chúng tôi xem cuốn sổ giao ban của BV và sự việc được phản ánh trong cuốn sổ này hoàn toàn khác với kết quả điều tra của công an quận.

Trong cuốn sổ đó, vụ kỳ án này được ghi như sau: "Khoảng 9 giờ ngày 12/10/1999, bà Phạm Thị Lợi lừa đảo chiếm đoạt 200.000 đồng của một bệnh nhân ở khoa ngoại. Bảo vệ đã giữ bà Lợi, đưa lên công an phường xử lý. Trước cơ quan công an, bà Lợi đã nhận tội và hoàn trả người bị hại 200.000đồng. (12/10/1999). Người ghi sổ: Vũ Ngọc Chung

Tôi hỏi ông Vũ Ngọc Chung:

- Ai trong tổ bảo vệ của bệnh viện trực tiếp đưa bà Lợi lên công an phường Hàng Bông?

- Chúng tôi không đưa đi mà chỉ gọi điện báo công an và công an cử người xuống đưa đi.

Người lương thiện hoá... kẻ gian!

Ở công an phường Hàng Bông, tôi hỏi:

- Trong sổ giao ban của bệnh viện K có ghi việc sáng ngày 12/10/1999, bà Phạm Thị Lợi lừa đảo chiếm đoạt 200.000 đồng của một bệnh nhân ở khoa ngoại. Tôi xin lưu ý các anh rằng trong sổ ghi rất rõ là Phạm Thị Lợi chứ không phải là Dương Thị Nga như biên bản của các anh đã gửi lên quận.

Và ông Vũ Ngọc Chung - tổ trưởng bảo vệ bệnh viện K cho chúng tôi biết rằng họ gọi điện báo cáo vụ việc với công an phường và các anh đã cử người xuống bệnh viện K đưa bà Lợi đi. Vậy, người được cử đến bệnh viện K là ai?

- Trước hết, chúng tôi không cử người xuống bệnh viện K mà bảo vệ của bệnh viện trực tiếp đưa đối tượng giao cho chúng tôi. Thứ hai, đối tượng là Dương Thị Nga chứ không phải là Phạm Thị Lợi. Giấy giới thiệu đi khám bệnh ghi họ tên Dương Thị Nga, trong chứng minh thư nhân dân cũng là Dương Thị Nga. Điều này thì chúng tôi không thể nhầm được. Có thể bảo vệ bệnh viện ghi nhầm. Phó Công an phường Hàng Bông trả lời.

- Như vậy là bảo vệ không dẫn đối tượng đi, công an không cử cán bộ xuống viện bắt người, nghĩa là đã có một kẻ nào đó mạo danh công an xuống viện K bắt người rồi lại mạo danh là bảo vệ dẫn người bị bắt lên giao cho công an. Và, giữa hai lần mạo danh đó, kẻ lừa đảo họ tên là Phạm Thị Lợi đã biến thành Dương Thị Nga. Có đúng như vậy không?

- Chuyện này thật vô lý và khó hiểu.

- Thấy vô lý và khó hiểu tại sao các anh không xác minh làm rõ?

Ông Đào Bính - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính bệnh viện K cho tôi biết rằng từ ngày bà Nga bị bắt đến tận hôm nay, mới chỉ một mình tôi xem sổ nhật ký giao ban của viện K. Nghĩa là các anh chưa đọc phần ghi chép của ông Vũ Ngọc Chung. Quy định của Bộ Công an, khi bắt người phải lập biên bản phạm tội tại chỗ.

Bà Dương Thị Nga, nếu có phạm tội cũng không phạm tội ở đây, (tức là công an phường Hàng Bông) mà nơi phạm tội là bệnh viện K. Biên bản phạm tội tại chỗ phải được lập ở đó, với sự làm chứng của các bệnh nhân và người của bệnh viện K, nhưng các anh đã không làm như thế. Đúng không?

Ông Phó Công an phường ngồi im lặng.

...

Vụ án sau đó kết thúc. Bà Dương Thị Nga được đền bù 15 triệu đồng, Kiểm soát viên bị thu thẻ, Chánh án bị mất chức. Một số chiến sĩ công an bị cảnh cáo, điều chuyển công tác khác.

Hoàng Hữu Các