1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Y án đối với nguyên Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Nghệ An

(Dân trí) - Sau 2 ngày xét xử với những tranh luận căng thẳng giữa các bên liên quan, chiều ngày 21/9, TAND tỉnh Nghệ An đã quyết định giữ nguyên mức án 11 tháng cải tạo không giam giữ đối với ông Nguyễn Văn Bản (SN 1961, trú phường Quán Bàu, TP.Vinh, Nghệ An).

Y án đối với nguyên Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Nghệ An - 1

Bị cáo Nguyễn Văn Bản - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Nghệ An tại phiên tòa

Ông Nguyễn Văn Bản nguyên là Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Nghệ An, bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Rạng sáng 6/11/2007, Đội quản lý thị trường số 5 (thuộc Chi cục quản lý thị trường Nghệ An) phát hiện và bắt giữ 2 xe tải, biển kiểm soát 34K-6749 và 77K-9115 do anh Nguyễn Đình Thảo và anh Cao Văn Thua điều khiển, vận chuyển 36 cuộn thép phi 6,5 mm do Trung Quốc sản xuất, có trọng lượng 71.400 kg. Do không có giấy tờ hợp lệ nên Đội quản lý thị trường số 5 ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính đối với 2 xe ô tô và số thép vi phạm.

Qua kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 5 xác định vụ việc vượt thẩm quyền nên chuyển hồ sơ, Đội quản lý thị trường số 5 đã chuyển hồ sơ cho Chi cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An xử lý theo thẩm quyền vào ngày 16/11/2007. Chi cục quản lý thị trường Nghệ An đã tiếp nhận hồ sơ và giao cho Đội quản lý thị trường số 1 (đóng tại thị trấn huyện Diễn Châu) bảo quản tang vật trong thời gian xử lý.

Trong quá trình thụ lý giải quyết, Nguyễn Văn Bản với chức vụ là Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Nguyễn Quốc Anh “để lại” cho chị Nguyễn Thị Trinh (chủ lô hàng) 8 cuộn thép là tang vật đang bị tạm giữ, gây thiệt hại tài sản 171.350.000 đồng. Nguyễn Quốc Anh là Đội phó Đội quản lý thị trường số 5 biết rõ việc Nguyễn Văn Bản cho chị Nguyễn Thị Trinh 8 cuộn thép là vi phạm pháp luật về quản lý, bảo quản, xử lý hàng hóa vi phạm hành chính đang bị tạm giữ nhưng vẫn thực hiện sự “chỉ đạo” của Nguyễn Văn Bản.

Đến ngày 18/11/2009, TAND tỉnh Nghệ An xử sơ thẩm, tuyên Bản không phạm tội, phạt Anh 9 tháng cải tạo không giam giữ. Ngay sau đó, VKSND tỉnh Nghệ An có kháng nghị theo hướng tuyên Bản phạm tội. Anh cũng kháng cáo cho rằng mình không phạm tội. Đồng thời tháng 11/2009, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có văn bản đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét chỉ đạo việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án này phải đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội.

Sáng 27/4/2010, Tòa Phúc phẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử lưu động tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An, tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An, trả hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Nghệ An để điều tra lại vụ hai bị cáo Bản và Anh bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”. HĐXX phúc thẩm nhận định án sơ thẩm kết tội Anh mà không kết tội Bản là bỏ lọt người, lọt tội, không đánh giá đầy đủ, đúng đắn vai trò từng người vi phạm.

Ngày 30/5/2011, TAND huyện Diễn Châu (Nghệ An) đưa vụ án ra xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Bản 11 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Quốc Anh 9 tháng cải tạo không giam giữ  về "tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tháng 6/2011, Nguyễn Văn Bản kháng cáo bản án của TAND huyện Diễn Châu lên TAND tỉnh Nghệ An kêu oan cho rằng mình không phạm tội.

Trong phần thấm vấn và tranh luận công khai tại phiên toà phúc thẩm, Nguyễn Văn Bản quanh co chối tội và đổ lỗi cho cấp dưới, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình và phủ nhận các lời khai của mình với cơ quan điều tra trước đó. Bản bác bỏ toàn bộ bản luận tội của đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên toà. Trong khi đó một số nhân chứng là cán bộ quản lý thị trường Nghệ An có liên quan trong vụ án thì “không nhớ” diễn biến vụ việc đã diễn ra. Đến khi Chủ tọa phiên tòa đọc các lời khai của các nhân chứng đã khai với cơ quan điều tra có trong hồ sơ vụ án thì các cán bộ quản lý thị trường này mới thừa nhận.

Bị cáo Nguyễn Văn Bản kháng án, kêu oan nhưng tại phiên toà không đưa ra được các chứng cứ để có sở giảm nhẹ cho bị cáo. Tại phần tranh luận, vợ của bị cáo Bản ngồi dự khán phía dưới cũng lớn tiếng “Chồng tôi vô tội” với HĐXX phúc thẩm để “bảo vệ” chồng. Dù được nhắc nhở, nhưng vợ bị cáo Bản vẫn to tiếng “bênh chồng” khiến chủ tọa phiên Tòa phải đề nghị cảnh sát mời vợ bị cáo Bản ra khỏi phòng xét xử.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ của vụ án và các nhân chứng có liên quan. HĐXX nhận định bản án sơ thẩm của TAND huyện Diễn Châu là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên là tương xứng với tính chất, mức độ đối với hành vi vi phạm của bị cáo. Do đó, HĐXX đã bác đơn kháng án và tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Bản là 11 tháng cải tạo không giam giữ là phù hợp với tính chất, hành vi và hậu quả do Nguyễn Văn Bản gây ra, phù hợp với vai trò, vị trí của bị cáo trong vụ án.

Sau khi phiên tòa kết thúc, Nguyễn Văn Bản và Nguyễn Quốc Anh định lao vào “ăn thua” với nhau ngay tại sân tòa án. Phải nhờ đến lực lượng hỗ trợ tư pháp, sự việc mới lắng xuống. Nhưng tâm điểm “hậu tòa” lại là vợ của bị cáo Nguyễn Văn Bản. Bất chấp trời mưa to, vợ bị cáo vẫn “kiên trì” đội mưa la hét chửi bới vì cho rằng tòa xử oan cho chồng.

Quang Anh - Tuệ Anh