Xuất hiện những đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia
(Dân trí) - Theo Cục C05, thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm trái phép không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ mà đã xuất hiện các đường dây, tổ chức.
Ngày 11/11, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 Bộ Công an) chủ trì, phối hợp Ban An ninh môi trường Interpol tổ chức Khai mạc Hội thảo tập huấn điều tra buôn bán động vật hoang dã trên mạng.
Theo Cục C05, Việt Nam là nước có vị trí thuận lợi, được xác định vừa là điểm tiêu thụ, vừa là tuyến đường trung chuyển các loài hoang dã. Nhiều loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau.
Thời gian gần đây, Cục C05 nhận thấy tình trạng vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm trái phép không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ mà đã xuất hiện các đường dây, tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài với số lượng rất lớn.
Bên cạnh đó, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm về động hoang dã đang có xu hướng "ẩn" bằng cách sử dụng không gian mạng, giao dịch số.
Để thích ứng với phương thức phi truyền thống, đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật cần được đào tạo, tập huấn, tiếp nhận các kiến thức mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã.
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05, cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương tại Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, có nhiều hành động quyết liệt trong việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp.
Đại tá Thơm đặt mục tiêu, khóa tập huấn sẽ làm rõ hơn việc điều tra trực tuyến về buôn bán động vật hoang dã; truy vết kỹ thuật số; khai thác các nguồn thông tin mở phục vụ điều tra tội phạm về động vật hoang dã.
Vị Phó Cục trưởng cũng đánh giá cao và trân trọng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban An ninh môi trường Interpol với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an Việt Nam trong thời gian qua.
Đại tá Thơm mong muốn thời gian tới, các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa và cần thiết lập cơ chế liên lạc để tăng cường chia sẻ thông tin kịp thời, đảm bảo tính hiệu quả trong phòng, ngừa và đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật liên quan đến động vật hoang dã.
Hội thảo tập huấn sẽ diễn ra trong 5 ngày, với các chuyên đề: Phương pháp thu thập thông tin nguồn mở trong điều tra tội phạm về động vật hoang dã; lập kế hoạch điều tra trực tuyến về buôn bán động vật hoang dã; hồ sơ kết nối và dấu vết kỹ thuật số; các nguồn thông tin mở phục vụ điều tra tội phạm về động vật hoang dã; tìm kiếm dấu vết nâng cao và thực hành…