1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Vì sao mức án đề nghị với Nguyễn Văn Dương cao nhất?

(Dân trí) - Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, trong vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ", Nguyễn Văn Dương giữ vai trò cầm đầu, còn Phan Sào Nam khởi xướng. Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương mới chỉ nộp được số tiền khắc phục hậu quả hơn 240 tỷ đồng, tương đương 15%; bị cáo Phan Sào Nam đã nộp số tiền khắc phục đạt 90,7%... nên bị cáo Dương mới chịu mức án cao như vậy.

Sáng nay (22/11), TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ". Trong phiên xử sáng nay, phần lớn thời gian HĐXX dành cho nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển công nghệ cao - CNC). Đại diện VKS trình bày quan điểm để đối chất.

Xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Vì sao mức án đề nghị với Nguyễn Văn Dương cao nhất? - 1
Quang cảnh phiên tòa sáng nay (22/11).
Quang cảnh phiên tòa sáng nay (22/11).

Đại diện VKS đồng ý với quan điểm của luật sư về việc Công ty CNC là công ty bình phong của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghê cao (C50 - Bộ Công an) từ giai đoạn 2011 đến tháng 8/2017.

Về vấn đề luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, mức án của bị cáo Dương cao hơn cả bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam, đại diện VKS cho rằng, quá trình điều tra Nguyễn Văn Dương mới chỉ nộp được số tiền khắc phục hậu quả hơn 240 tỷ đồng, tương đương 15%. Trong khi đó, bị cáo Phan Sào Nam đã nộp số tiền khắc phục đạt 90,7%. Nam có đóng góp trong quá trình công tác, được Thủ tướng và Bộ TTTT tặng bằng khen lúc chưa phạm tội. Ngoài ra, bị cáo Nam tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra, vì vậy được hưởng 4 tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Trần Hồng Phúc tại tòa sáng 22/11.
Luật sư Trần Hồng Phúc tại tòa sáng 22/11.

Theo đại diện VKS, Dương giữ vai trò là người cầm đầu, còn Phan Sào Nam khởi xướng. Trong quá trình điều tra, Dương không phải tự nguyện nộp hơn 240 tỷ đồng; nhà ở tầng 4 tầng 5 của Công ty CNC không thể bán được nên mới kê biên, sau đó gia đình tự nguyện khắc phục.

Ngoài ra, mới đầu Dương khai CNC chỉ được hưởng doanh thu 800 tỷ đồng và đề nghị cho ra tại ngoại thu hồi tài sản để nộp 500 tỷ đồng, nhưng cơ quan điều tra yêu cầu nộp ngay 500 tỷ đồng mới cho ra, nhưng đến tận thời điểm này mới nộp được hơn 240 tỷ đồng.

Luật sư có đề cập vấn đề, bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “chống lưng” cho đường dây đánh bạc này, hưởng lợi như thế nào và xử lý ra sao? Đại diện VKS cho rằng, việc 2 bị cáo này hưởng lợi sẽ làm rõ ở giai đoạn 2. Quá trình luận tội 2 bị cáo Vĩnh và Hóa, VKS đã cân đối giữa công và tội mới đưa ra đề nghị mức án như vậy. Bị cáo Vĩnh là thương binh, được phong anh hùng lực lượng vũ trang, có nhiều bằng khen; bị cáo Hóa có ông, bà và bố đều là liệt sĩ, bản thân cũng có nhiều thành tích.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương.

Một vấn đề các luật sư muốn làm rõ đó là, 3 pháp nhân cùng hợp tác vận hành game bài đánh bạc đó là: Công ty Nam Việt, VTC online và CNC, thì CNC có vai trò như thế nào? Đại diện VKS đưa ra quan điểm, CNC giữ vai trò cầm đầu. Bị cáo Nam có khai, thời điểm trước khi hợp tác với CNC đã có đầy đủ cơ sở vật chất về game bài nhưng khó khăn trong việc xin cấp phép phát hành nên mới tìm đến Dương. Khi Dương nói với Nam là có thể lo được vấn đề xin cấp phép phát hành nên các bên mới hợp tác với nhau.

"Quá trình vận hành game bài đánh bạc này, cơ quan công an có đến kiểm tra nhưng không xử lý được, rõ ràng CNC có liên kết với người có chức vụ. Phía công ty CNC còn tổ chức hợp tác gạch thẻ, tức là thanh toán thẻ cào, quảng cáo game Rikvip, đứng ra làm đầu số chăm sóc khách hàng…Nếu không có CNC thì VTC online và Nam Việt có phát hành được game bài đánh bạc không, vì khi phát hành phải theo luật phát hành" - đại diện VKS nêu quan điểm.

Về vấn đề luật sư cho rằng, các đại lý trung gian thanh toán mới hưởng lợi khi tham giúp sức vận hành game bài, còn CNC không hưởng lợi. Đại diện VKS nói, CNC hợp tác thanh toán với các công ty trung gian, các đại lý bán Rik (tiền ảo) và hưởng lợi từ hoạt động này. Các đại lý càng bán được nhiều Rik, nghĩa là thẻ cào nạp vào càng nhiều nên doanh thu của CNC càng tăng lên.

Một luật sư của Nguyễn Văn Dương cho rằng, số tiền CNC được hưởng còn phải chi phí cho vận hành game bài. Về quan điểm này, đại diện VKS cho biết "Khi người vi phạm pháp luật, thì nguồn tiền đưa vào đầu tư phần mềm đều được tính là nguồn tiền vi phạm, đều phải tịch thu, nên không được khấu trừ".

Trước đó, trong phiên xử ngày 21/11, trong bản luận tội của mình, đại diện VKS cho rằng, tại tòa, Nguyễn Văn Dương hoàn toàn nhận tội, phạm 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” là người cầm đầu nhóm tổ chức đánh bạc ở CNC gây hậu quả nghiêm trọng, từ đây nảy sinh nhiều tội phạm khác, làm tha hóa cán bộ. Thu lời bất chính hơn 1.600 tỷ đồng, sau đó Dương đã rửa tiền. Hành vi của Dương cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” với mức án 8- 9 năm tù cho tội "Tổ chức đánh bạc", 3-4 đến năm tù về tội "Rửa tiền", tổng 11- 13 năm tù; đề nghị thu hồi hơn 1.600 tỷ mà Dương hưởng lợi bất chính và các tài sản phạm tội khác.

Nguyễn Dương - Tuấn Hợp