1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh thể hiện sự bao che đến cùng

(Dân trí) - Sáng nay (30/11), HĐXX yêu cầu 92 bị cáo trong vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” lên bục khai báo và xếp thành 7 hàng để nghe HĐXX công bố bản án (dài gần 400 trang). Trong bản án, chủ tọa nhấn mạnh: "Hành vi của Phan Văn Vĩnh thể hiện sự bao che đến cùng cho hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm”.

Hôm nay tuyên án 2 cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa

Trong bản án được tuyên sáng nay, chủ tọa nhấn mạnh, bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương hợp tác với Phan Sào Nam vận hành game bài đánh bạc trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với lực lượng bảo vệ pháp luật.

Bị cáo Vĩnh đã ký quyết định 158 ngày 14/5/2015 công nhận Công ty CNC là bình phong của C50 là trái quy định của Bộ Công an.

Ngoài ra, Phan Văn Vĩnh còn cho Công ty CNC thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Hà Nội) thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát đã gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị khác kiểm tra hoạt động của Công ty CNC. Bị cáo Vĩnh còn ký văn bản gửi Bộ TT&TT xin hợp thức hóa cho game bài mà CNC phát hành; khi biết có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị cơ quan điều tra vào cuộc, để che giấu hành vi phạm tội, Phan Văn Vĩnh còn bút phê vào văn bản không dấu Nguyễn Thanh Hóa trình.

Chủ tọa nhấn mạnh khi đọc bản án: “Hành vi của Phan Văn Vĩnh là thể hiện sự bao che đến cùng cho hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm”.

Trước đó, trong phần tranh tụng, luật sư cho rằng, bị cáo Phan Văn Vĩnh “bảo kê” cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành game bài đánh bạc là vì mục đích nghề nghiệp, dùng nguồn kinh phí từ hoạt động này để “Xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.

Nhưng bản án do chủ tọa đọc sáng nay đã không chấp nhận về quan điểm bào chữa này của luật sư vì quá trình hoạt động game bài đánh bạc do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có khoản tiền nào chi cho “Hệ thống phòng thủ quốc gia” mà chỉ có một bộ phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD.

“Với vai trò từng là Tổng cục trưởng lẽ ra khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội, Phan Văn Vĩnh phải ngăn chặn ngay nhưng lại bao che cho hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Dương và đồng phạm. Chính vì vậy, bị cáo Phan Văn Vĩnh đáng lên án hơn những người khác trong vụ án này” – Chủ tọa nhận định khi đọc bản án.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa mặc dù đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước quân tịch đã là hình phạt nghiêm khắc. Nhưng để đảm bảo công bằng, HĐXX thấy cần phải cách ly hai bị cáo này ra khỏi đời sống xã hội một thời gian bằng hình phạt tù.

Được nói lời cuối cùng trước khi vào nghị án, bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và nhận hoàn toàn trách nhiệm do lỗi của mình gây ra. Bị cáo này mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho mình vì quá tin tưởng cấp dưới.

Còn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ án - C50 – Bộ Công an) ban đầu không thừa nhận hành vi của mình, đổ lỗi cho người khác. Nhưng sau đó, bị cáo này đã thay đổi lời khai tại tòa và hoàn toàn nhận tội. Bị cáo Hóa đồng ý với bản luận tội của của VKS. Bị cáo Hóa mong muốn HĐXX xem xét tới hoàn cảnh gia đình mình, xem xét cho được hưởng các tình tiết giảm nhẹ để sớm về với gia đình thắp hương cho mẹ và làm chỗ dựa tinh thần cho con, vì con bị cáo này còn nhỏ.


Dẫn giải các bị cáo vào phòng xử án.

Dẫn giải các bị cáo vào phòng xử án.


HĐXX công bố bản án.

HĐXX công bố bản án.

Bản án xác định, Nguyễn Văn Dương đã lợi dụng việc Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của C50 nên đã hợp tác với Phan Sào Nam vận hành game bài đánh bạc trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số tiền bị cáo Dương được hưởng lợi bất chính từ hành vi phạm tội là hơn 1.600 tỷ đồng.

Để hợp thức số tiền “bẩn” này, Dương đã chuyển tiền lòng vòng qua nhiều lớp, đầu tư vào các dự án,… Hành vi trên của Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 251 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương đã tự thú về việc cho C50 phần mềm diệt virus và 700 triệu đồng, riêng lời khai cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền và tài sản đến nay chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội Đưa hối lộ.

Chủ tọa phiên tòa cho biết, tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) hoàn toàn nhận về hành vi phạm tội của mình. Dương có đề nghị xin giảm nhẹ mức án cho các bị cáo là nhân viên Công ty CNC. Bị cáo Dương không tranh tụng về bản luận tội của VKS, bị cáo này chỉ xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để có mức án phù hợp.

Hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh thể hiện sự bao che đến cùng - 3

Cũng giống bị cáo Dương, bị cáo Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC online) cũng ăn năn hối cải, tại tòa, bị cáo này thành khẩn khai báo. Bị cáo Nam khai do thiếu hiểu biết nên đã vi phạm pháp luật. Đối với bản luận tội của VKS, Phan Sào Nam đồng ý và xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để có mức án dưới khung hình phạt.

Trong bản án được HĐXX đọc sáng nay, xác định Phan Sào Nam là người có trình độ về công nghệ nhưng do tư lợi nên Nam đã đồng ý với đề xuất của Hoàng Thanh Trung (Công ty Nam Việt, đã bỏ trốn) hợp tác vận hành game bài đánh bạc. Sau đó, Nam đã tìm đến Dương để bàn về việc hợp tác phát hành game bài đánh bạc vì biết Công ty CNC của Dương là bình phong của C50.

Hành vi của Nam bị cáo buộc là người khởi xướng, còn Dương là người cầm đầu, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số tiền mà Phan Sào Nam được hưởng lợi từ hành vi phạm tội là hơn 1.400 tỷ đồng. Khi có số tiền này, Nam đã đầu tư vào các công ty, mua bất động sản, gửi người thân để hợp thức số tiền “bẩn” này. Bản án xác định, hành vi của Phan Sào Nam phạm 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249 và tội “Rửa tiền” điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009

Các bị cáo lên bục khai báo để nghe HĐXX công bố bản án.
Các bị cáo lên bục khai báo để nghe HĐXX công bố bản án.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngay từ sáng sớm, lực lượng an ninh đã có mặt tại TAND tỉnh Phú Thọ để đảm bảo công tác an ninh.

7h30, nhóm bị cáo là các đại lý, công ty trung gian và người chơi bạc đã có mặt tại phòng xử án.

Đến 7h55, lực lượng an ninh dẫn giải các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, Lưu Thị Hồng,… vào phòng xử án.

Đúng 8h, HĐXX vào phòng xử án và hỏi đại diện Viện Kiểm sát (VKS), luật sư, các bị cáo về việc có đồng ý không công bố lại phần luận tội có trong cáo trạng và đã đi đến thống nhất không công bố.

Tiếp đó, HĐXX yêu cầu các bị cáo lên bục khai báo, xếp thành 7 hàng để nghe HĐXX tuyên án.

Người nhà các bị cáo và người dân theo dõi phiên tòa.
Người nhà các bị cáo và người dân theo dõi phiên tòa.

Các bị cáo khác đều nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, đại diện VKS đã đánh giá: Vụ án trên có tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của vụ án, vụ án được đưa ra xét xử gồm 6 loại tội phạm, trong đó có 3 loại tội thuộc tội phạm rất nghiêm trọng và 3 loại tội thuộc loại tội nghiêm trọng, nhưng hậu quả gây ra cho xã hội ở mức đặc biệt nghiêm trọng: Các đối tượng phạm tội đã lợi dụng công nghệ cao để phạm tội tổ chức đánh bạc và Đánh bạc. Từ ngày 19/4/2015 đến ngày 29/8/2017 các đối tượng đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến và gần 6.000 tài khoản đại lý, riêng tại thời điểm ngày 8 và 9/8/2016 có hơn 18 triệu tài khoản người chơi thực, trong đó có 291.668 tài khoản có số điện thoại kèm theo. Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, nạp thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.800 tỷ đồng.

Quy mô xảy ra trên không gian mạng có phạm vi không chỉ trong nước mà cả quốc tế, đến nay hết giai đoạn 1, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố được 105 bị can cư trú ở 24 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Số lượng đối tượng tham gia đã đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc lên tới hàng chục nghìn người, riêng ngày 8-9/8/2016 đã có 523 người tham gia đặt cược đánh bạc, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tức là đặt hơn 6 triệu Rik/phiên (tiền ảo để đánh bạc trực tuyến) tương đương với 5 triệu đồng trở lên. Trong vụ án này có sự đa dạng về thành phần phạm tội, có cả nam, nữ, từ người không nghề nghiệp đến viên chức nhà nước, từ những người có tiền án tiền sự đến những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng chống tội phạm lại trợ giúp cho đối tượng phạm tội.

Số lượng điều tra viên vụ án trên lên tới trên 100 người, chưa kể đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hậu cần, trinh sát ở các đơn vị phối hợp và kéo dài 12 tháng nhưng vẫn chưa điều tra, xử lý được toàn diện của vụ án.

Thực tế thu hồi được tiền và tài sản do phạm tội mà có của vụ án trên ở mức kỷ lục trong nền tư pháp Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra đã thu hồi được trên 1.300 tỷ đồng tiền mặt, phong tỏa tài sản và kê biên tài sản trên 240 tỷ đồng.

Nguyễn Dương – Tuấn Hợp