Xử vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Giám đốc chất lượng nói mình không sai
(Dân trí) - Cựu Giám đốc chất lượng của Nhà thầu thi công gói thầu A1, khẳng định tất cả trình tự và thủ tục thi công gói thầu A1 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 nhà thầu đã tuân thủ đầy đủ.
Ngày 18/10, các luật sư đặt câu hỏi với 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đang bị xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của luật sư về thời gian giữ chức vụ giám đốc nhà thầu thi công, bị cáo Nguyễn Thiên Nam cho biết, từ tháng 9/2014 đến giữa tháng 5/2018, bị cáo giữ chức Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1.
Song đến năm 2019, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 mới đưa vào sử dụng, khi đó bị cáo đã rút khỏi dự án.
"Gói thầu A1 được đánh giá chất lượng vào đầu năm 2020, bị cáo không còn ở dự án, không tham gia", ông Nam khai và khẳng định từ khi thông xe đến nay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 vẫn lưu thông bình thường.
Theo ông Nam, tất cả trình tự và thủ tục thi công gói thầu A1, nhà thầu đã tuân thủ và thực hiện đầy đủ.
Bị cáo khẳng định bản thân không sai phạm như cáo trạng đã quy kết.
Tại tòa, luật sư Lê Cao (Công ty Luật Hợp danh FDVN) và các luật sư đặt câu hỏi với các bị cáo để làm rõ 2 vấn đề quan trọng là giám định và trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại.
Luật sư Lê Cao cho biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 dài khoảng 131km. Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phê duyệt hồ sơ, thiết kế kỹ thuật.
Trước đó, ông Phạm Văn Hùng, đại diện cơ quan giám định, Phân viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam (ITST) đã đưa ra phản biện cho các quan ngại của nhà thầu về độ tin cậy của kết luận giám định.
Ông Hùng khẳng định đơn vị giám định đã sử dụng nhiều phương pháp giám định, trong đó mỗi phương pháp đều có giá trị trưng cầu giám định, mục tiêu thí nghiệm, chỉ tiêu đánh giá thi công,...
Về tần suất lấy mẫu, ông Hùng cho biết đây là giám định cho Bộ Công an, nên đã phải lấy rất nhiều số liệu.
Đơn vị tổng thầu đã đi thuê nhiều nhà thầu khác, giám định thống kê rất chi tiết từng trạm trộn bê tông nhựa để phân đoạn và đánh giá, so sánh quy trình, quy phạm, quy định và tham khảo giá trị thiết kế của từng trạm để đánh giá kết quả thực địa.
Phương pháp lấy mẫu là lấy xác suất trên toàn tuyến.
"Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc và căng thẳng, các anh thì nhìn ngang vào, quan trên trông xuống, ở dưới người dân trông lên.
Đời tôi đến nay 37 năm làm đúng cái nghề này, nên tôi đảm bảo tất cả mọi thứ làm đúng quy định", ông Hùng nói.
Cáo trạng thể hiện, dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 140km.
Trong đó, giai đoạn 1 dài 65 km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017; giai đoạn 2 dài hơn 74 km, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thông xe tháng 9/2018.
Song khi vừa đưa vào sử dụng, đường cao tốc trên đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Các vi phạm tại giai đoạn 1 của dự án, dài 65km, đã được xử lý với 35 người Việt và 1 người Nhật Bản chịu chế tài hình sự.
Vụ án xảy ra tại giai đoạn 2 của dự án, dài 74km.
Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, hành vi của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và sau đó hư hỏng, vì vậy đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.