1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Xét xử vụ hàng trăm tỉ đồng ở Eximbank "bốc hơi"

Bà Chu Thị Bình đòi 245 tỉ đồng từ Eximbank

(Dân trí) - Tại phiên xử vụ hàng trăm tỉ đồng ở Eximbank "bốc hơi" diễn ra hôm nay (22/11), bà Chu Thị Bình đã yêu cầu ngân hàng này phải có trách nhiệm tất toán toàn bộ 3 sổ tiết kiệm gồm 245 tỉ đồng tiền gốc và tiền lãi.

Ngày 22/11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Hồ Ngọc Thủy (sinh năm 1986 tại Khánh Hòa), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1984 tại Bình Thuận), Trần Nguyễn Xuân Lan (sinh năm 1981 tại TPHCM), Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1978 tại Khánh Hòa), Cao Lan Phương (sinh năm 1980 tại Ninh Thuận) và Lương Quốc Anh (sinh năm 1986 tại TPHCM, cùng là nhân viên Eximbank chi nhánh TPHCM ) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngân hàng Eximbank được xác định là bị hại trong vụ án này, còn bà Chu Thị Bình tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Bình có luật sư Phan Trung Hoài.

Phiên tòa này do thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa.

Tại phiên tòa hôm nay, tất cả các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của Lê Nguyễn Hưng.

Đại diện ngân hàng Eximbank cho rằng: Lê Nguyễn Hưng giữ chức phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM phụ trách ngân quỹ trực tiếp làm việc với bà Chu Thị Bình. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa là đúng.Trong quá trình công tác, các bị cáo luôn là những nhân viên gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuy nhiên do quá tin tưởng Lê Nguyễn Hưng nên mới để vụ án xảy ra.

Trong quá trình giao dịch với bà Chu Thị Bình, Hưng sử dụng các thủ đoạn gian dối nên phía ngân hàng không phát hiện. Tới ngày 26/3/2017, công an vào cuộc điều tra thì phía ngân hàng mới nắm rõ vụ án.

Đối với giao dịch của bà Phẩm và bà Quí thì phía ngân hàng đã tất toán đủ toàn bộ số tiền. Còn đối với giao dịch của bà Chu Thị Bình thì hiện nay còn 3 sổ tiết kiệm với số dư trên 300 tỉ đồng.

Về dân sự, đại diện Eximbank yêu cầu HĐXX xác định Lê Nguyễn Hưng có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho ngân hàng.

Ngay lập tức, HĐXX quay sang xét hỏi bà Chu Thị Bình, bà Bình xác định bà giao dịch với ngân hàng từ năm 2007. Trong quá trình giao dịch, bà Bình trực tiếp làm việc với Lê Nguyễn Hưng là người trực tiếp quản lý các tài khoản của bà Bình tại ngân hàng. Suốt thời gian gửi tiền, bà Bình không có gặp và giao dịch với các bị cáo, lúc nào cần thực hiện giao dịch thì bà sẽ gọi điện thoại trao đổi với Lê Nguyễn Hưng.

Bà Bình xác định từ năm 2007 đến khi vụ án xảy án, bà có 25 tài khoản tại ngân hàng Eximbank. Hiện nay bà còn 3 sổ tiết kiệm, tại ngân hàng Eximbank, trong quá trình điều tra phía ngân hàng đã trả lại cho bà 59 tỉ đồng, còn số tiền 245 tỉ đồng thì phía ngân hàng mới chỉ tạm ứng cho bà. Vì vậy bà Bình yêu cầu phía ngân hàng phải có trách nhiệm tất toán toàn bộ 3 sổ tiết kiệm gồm 245 tỉ đồng tiền gốc và tiền lãi.

Liên quan tới 2 giấy ủy nhiệm chi thì bà Bình cho rằng được hướng dẫn ký và bà cũng không biết Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong.

Những người có quyền và lợi ích liên quan là bà Lê và ông Phong cho rằng không có thực hiện giao dịch với bà Chu Thị Bình, mọi giao dịch là do Hưng ký khống.

img_8864

Bà Chu Thị Bình (áo hồng) tham dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, Lê Nguyễn Hưng (sinh năm 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM) dùng thủ đoạn gian dối lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê, lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại Eximbank Chi nhánh TPHCM.

Đồng thời, Lê Nguyễn Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh là người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt nhưng đã thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của Eximbank về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và cho khách hàng rút tiền mặt dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tài sản của Eximbank chi nhánh TPHCM.

Bằng thủ đoạn này, Lê Nguyễn Hưng đã rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm (sinh năm 1981 ngụ quận 7, TPHCM) 10 tỉ đồng, bà Lê Thị Minh Quí (sinh năm 1996, quận 7, TPHCM) 9 tỉ đồng và 245 tỉ đồng từ các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại Eximbank chi nhánh TPHCM. Tổng cộng, Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt của Eximbank chi nhánh TPHCM tổng cộng là 264 tỉ đồng.

Sau khi chiếm đoạt tiền của bà Phẩm và bà Quí, Hưng dùng để mua 850.000 USD của Công ty Anh Tùng. Hưng dùng 152 tỉ đồng chiếm đoạt của Eximbank chi nhánh TPHCM trong tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình để mua 41.853,23 chỉ vàng SJC của Eximbank chi nhánh TPHCM. Số tiền còn lại Hưng rút ra chi tiêu cá nhân.

img_8855

Các bị cáo tại tòa.

Ngoài ra trong quá trình điều tra, CSĐT xác định Lê Nguyễn Hưng có dấu hiệu thỏa thuận chi lãi ngoài cho khách hàng. Sau đó cơ quan CSĐT gửi Thống đốc ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra làm rõ việc chi trả lãi suất huy động tiền gửi vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Eximbank chi nhánh TPHCM, xác định hậu quả thiệt hại, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý giải quyết sau.

Hành vi của Lê Nguyễn Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Lê Nguyễn Hưng. Đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, lúc nào bắt được Hưng thì sẽ xử lý sau.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 23/11.

Xuân Duy