1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Thủ đoạn giả chữ ký khách VIP để chiếm đoạt hàng trăm tỉ tại Eximbank

(Dân trí) - Bằng các thủ đoạn giả mạo chữa ký khách hàng VIP, Hưng đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TPHCM của bà Chu Thị Bình và các khách hàng VIP khác.

Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 6 bị can liên quan tới vụ bà Chu Thị Bình bị mất hàng trăm tỉ đồng gửi tại Eximbank.

Theo đó bị can Hồ Ngọc Thủy (sinh năm 1986 tại Khánh Hòa), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1984 tại Bình Thuận), Trần Nguyễn Xuân Lan (sinh năm 1981 tại TPHCM), Nguyễn Thị Thi (sinh năm1978 tại Khánh Hòa), Cao Lan Phương (sinh năm 1980 tại Ninh Thuận) và Lương Quốc Anh (sinh năm1986 tại TPHCM, cùng là nhân viên Eximbank chi nhánh TPHCM ) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

hht5294-15220492247092136249829

Sếp bỏ trốn hàng loạt nhân viên bị vướng vào vòng lao lý.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, Lê Nguyễn Hưng (sinh năm 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM) dùng thủ đoạn gian dối đã chiếm đoạt của bà Chu Thị Bình số tiền 245 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngày 30/8/2016, Hưng nói với Nguyễn Thị Ngọc Trâm (nhân viên Eximbank chi nhánh TPHCM) là bà Phùng Thị Phẩm muốn rút tiền và đề nghị Trâm làm thủ tục cho bà Phẩm rút 10 tỉ đồng trước kỳ hạn.

Mặc dù không có giấy tờ tùy thân, không có sổ tiết kiệm của bà Phẩm và bà Phẩm không yêu cầu rút tiền, không đến ngân hàng, nhưng Trâm đã lập tờ trình đề ngày 30/8/2016, đề xuất ban giám đốc cho bà Phẩm rút tiền trước kỳ hạn, Trâm đã đưa tờ trình trên cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang (kiểm soát viên) và bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Phó trưởng phòng dịch vụ khách hàng cá nhân) duyệt.

Sau đó, Trâm soạn lệnh chi, rồi đưa cùng tờ trình trên cho Hưng, đến cuối giờ làm việc cùng ngày thì Hưng đưa lại cho Trâm tờ trình, lệnh chi đã được Hưng ký duyệt và đã có chữ ký của bà Phẩm. Tiếp đó Trâm ký trên lệnh chi tiền và thực hiện lệnh chuyển tiền.

Như vậy, Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt số tiền 10 tỉ đồng. Tiếp đó Hưng dùng toàn bộ số tiền trên mua 450.000 USD của công ty Anh Tùng.

Ngày 27/6/2017, Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an có Kết luận: “chữ ký dưới mục chủ tài khoản trên lệnh chi ngày 30/8/2016, không phải do bà Phẩm ký”.

Tương tự, ngày 23/9/2016, Hưng nói với Hồ Ngọc Thủy là bà Lê Thị Minh Quí muốn rút tiền và đề nghị Thủy soạn lệnh chi có nội dung bà Quí rút 8,9 tỉ đồng rồi đưa lệnh chi trên cho Hưng.

20180225-truy-na-nguyen-pho-giam-doc-eximbank-le-nguyen-hung-1

Cơ quan điều tra đã quyết định truy nã Lê Nguyễn Hưng.

Ngày 26/9/2016, Hưng đưa lại cho Thủy lệnh chi trên đã có chữ ký “Quí” dưới mục chủ tài khoản và mục chữ ký người nhận tiền. Sau đó, Thủy đưa lệnh chi cho Trần Nguyễn Xuân Lan thực hiện lệnh chi tiền. Lan thấy hồ sơ chỉ có Lệnh chi, bà Quí không đến quầy giao dịch, không có sổ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của bà Quí nên đã hỏi lại Hưng thì Hưng gian dối nói sẽ cập nhật trên sổ tiết kiệm sau. Lan tin tưởng nên ký tên dưới mục giao dịch viên sau đó đưa lệnh chi cho Nguyễn Thị Thi duyệt. Mặc dù không có sổ tiết kiệm của bà Quí, không có mặt và giấy tờ cá nhân của chị Quí nhưng Nguyễn Thị Thi vẫn ký xác nhận chữ ký khách hàng trên lệnh chi tiền.

Hành vi của Lê Nguyễn Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Lê Nguyễn Hưng; đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, lúc nào bắt được Hưng thì sẽ xử lý sau.

Đối với hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ của Công ty Anh Tùng, quá trình điều tra xác định các nhân viên Công Anh Tùng đã giao dịch mua bán vàng và đô la Mỹ với Lê Nguyễn Hưng nhưng không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu trốn thuế.

Ngày 28/6/2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản đề nghị Cục thuế TPHCM tiến hành thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty Anh Tùng, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý giải quyết sau.

Xuân Duy