Kẽ hở giúp "siêu lừa" qua mặt ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
(Dân trí) - Theo các bị cáo tại ngân hàng NCB, quy định khi vay thế chấp là chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp một lần và cho rằng đây là kẽ hở giúp Nguyễn Thị Thanh Hà chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 10/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng) cùng 25 bị cáo khác, trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xảy ra tại 3 ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Sau khi VKSND hoàn thành việc công bố bản cáo trạng dài hơn 170 trang, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo.
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành là bị cáo đầu tiên được yêu cầu đứng lên bục khai báo. Nữ bị cáo không có ý kiến về những cáo buộc, chỉ nói rằng bản thân gây án một mình, không bàn bạc với ai, hưởng lợi một mình.
Trước tòa, Thành khai đã trả cho ông Đặng Nghĩa Toàn khoảng 35 tỷ đồng tiền lãi gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, tại phiên tòa vào tháng 5/2022, ông Toàn khẳng định mới nhận 4 tỷ đồng.
Đối với các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng NCB, họ đều có chung quan điểm là bị truy tố quá nặng, trong khi bản thân không hưởng lợi bất hợp pháp.
Theo cáo trạng, tại ngân hàng NCB, nhờ có sự "giúp sức" của Nguyễn Hồng Trung (Chuyên viên cao cấp Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, ngân hàng NCB) và các nhân viên khác, Thành đã thực hiện 4 phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt được 47,5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, theo Trung, hình thức vay của Thành là thế chấp nên chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp một lần. Những lần sau, Trung chỉ việc "ký". Trung nói quy trình này là đúng theo quy định của ngân hàng.
Sơ hở này đã khiến Trung và nhân viên NCB không phát hiện ra việc Thành gian dối ông Toàn để thế chấp sổ tiết kiệm, cũng như không biết Công ty Eurocell đã ngừng hoạt động, bị giải thể.
Từ đó, các bị cáo tại NCB cho rằng, họ không có lỗi nên đề nghị HĐXX xem xét đổi tội danh bị truy tố.
Bên cạnh đó, bị cáo Trung còn đề nghị tòa án điều tra xem ông Toàn có cấu kết với Thành hay không. Trả lời vấn đề này, chủ tọa phiên tòa, ông Phan Huy Cương, cho biết, cơ quan điều tra đã xác minh, khẳng định ông Toàn chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong khi đó, nhóm bị cáo tại ngân hàng PVcomBank có mâu thuẫn trong lời khai.
Cụ thể, bị cáo Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng miền Bắc) cho biết sau khi Thành muốn làm hồ sơ vay vốn bằng sổ tiết kiệm gửi tại PVcomBank, Đức đã giao Bùi Văn Tuấn (chuyên viên phát triển khách hàng) đi xác minh và được báo cáo hồ sơ đầy đủ.
Đức khai bản thân ký duyệt hồ sơ vì tin tưởng cấp dưới, dù thực tế, Tuấn không gặp được ông Toàn và hồ sơ vay đã bị Thành giả chữ ký của người đồng sở hữu.
Trước lời khai này, Tuấn phủ nhận và khẳng định đã báo cáo thông tin cho cấp trên. Với nội dung này, Đức cho rằng cấp dưới đã khai báo không trung thực.
Tương tự nhóm bị cáo tại NCB, Đức cũng đề nghị HĐXX thay đổi tội danh nhẹ hơn, vì bị cáo cho rằng bản thân không vi phạm quy định của ngân hàng, chỉ thiếu trách nhiệm.
Trong vụ án này, các bị cáo Nguyễn Hồng Trung, Đỗ Minh Đức và Bùi Văn Tuấn bị truy tố về tội danh Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Riêng Trung bị truy tố thêm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Khoảng 18h, phiên tòa tạm nghỉ và tiếp tục làm việc vào sáng mai.