"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành bật cười khi trả lời câu hỏi của luật sư
(Dân trí) - Tại phiên tòa, HĐXX có một lần phải nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ của "siêu lừa" Hà Thành. Bị cáo này bật cười khi trả lời một câu hỏi của luật sư.
Ngày 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xảy ra tại ngân hàng VietABank (VAB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Trong buổi sáng, HĐXX cho phép các luật sư xét hỏi các bị cáo. Những người được yêu cầu trả lời nhiều nhất là bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và ông Đặng Nghĩa Toàn (người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan).
Tại phiên tòa, bị cáo Thành và Người đồng sở hữu sổ tiết kiệm - ông Toàn, có nhiều lời khai mâu thuẫn, đặc biệt là về số tiền mà Thành đã trả cho ông Toàn.
Cụ thể, Thành cho biết đã đưa cho ông Toàn khoảng 80 tỷ đồng, gồm cả gốc và lãi số tiền ông Toàn gửi tiết kiệm. Theo bị cáo, trong 80 tỷ, Thành đưa 35 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là chuyển khoản. Việc trao nhận tiền không có giấy tờ chứng minh hay biên nhận.
Ngoài ra, theo Thành, ngay từ đầu, bị cáo đã nói với ông Toàn việc sẽ vay tiền bằng hình thức mượn sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Vì vậy, Thành cho rằng ông Toàn biết bị cáo sẽ thế chấp sổ tiết kiệm để vay ngân hàng.
Phản bác lại lời khai của Thành, ông Toàn cho biết bản thân mới chỉ nhận khoảng 4 tỷ đồng là tiền lãi ngoài mà ông ta với bị cáo thỏa thuận. Bên cạnh lãi này, ông Toàn vẫn nhận tiền lãi gửi tiết kiệm hàng tháng từ các ngân hàng.
Tại tòa, luật sư chất vấn, tại sao ông Toàn đưa cho Thành quản lý 3 sổ tiết kiệm (tổng trị giá 122 tỷ đồng), trong khi, quan hệ giữa 2 người không phải người thân, vợ chồng.
Trả lời câu hỏi này, ông Toàn cho biết được Thành giới thiệu là có quan hệ với ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Toàn kể, có một lần ông chứng kiến Thành đứng bên trong quầy giao dịch ngân hàng VAB, đi lại, chỉ trỏ như đang chỉ đạo nhân viên như lãnh đạo. Tại ngân hàng NCB, ông Toàn cho biết cũng chứng kiến Thành đi đi lại lại.
Một lý do nữa mà ông Toàn đồng ý gửi tiết kiệm rồi giao sổ cho Thành là vì được Thành hứa trả tiền "thưởng". Theo cáo trạng, Thành cam kết sẽ trả từ 4,2 - 4,5%/tháng trên tổng số tiền ông Toàn gửi tiết kiệm.
Theo ông Toàn, khi đưa sổ tiết kiệm cho Thành, ông này rất tin tưởng sự chặt chẽ trong quản lý của ngân hàng. Ông đinh ninh việc nếu chỉ cầm quyển sổ tiết kiệm thì Thành không thể động được đến số tiền gửi. Người đàn ông này cũng khẳng định không đưa cho Thành bản chính hay bản sao chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn...
"Tôi gửi tiền vào ngân hàng theo đúng quy trình. Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý số tiền đó cho tôi. Tôi không bị Hà Thành lừa, vì tiền trong sổ rất khó mà mất. Việc tôi đưa sổ cho Thành cũng không phải là một giao dịch", ông Toàn nói và nhấn mạnh là chưa bao giờ tố cáo Hà Thành lừa tiền của mình.
Sau khi phát hiện ra hành vi của Thành, ông Toàn cho biết đã đến các ngân hàng NCB, VAB và PVcomBank để làm việc, đề nghị được cung cấp hồ sơ thế chấp, vay. Ông Toàn kể, khi đó, 3 nhà băng cam kết nếu xác định chữ ký của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng là giả, thì sẽ trả lại tiền.
Tại phiên tòa, HĐXX có một lần phải nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ của Hà Thành. Bị cáo này bật cười khi trả lời một câu hỏi của luật sư. Sau đó, luật sư cho rằng bị cáo Thành chưa nhận thức được hành vi của bản thân, chưa thực sự ăn năn, hối cải.