Vụ Việt Á: Người phụ nữ quyền lực bí ẩn khiến cựu Bộ trưởng Y tế phải "nể"
(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Y tế khai biết Thủy "có quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn" nên khi được yêu cầu, đã nhận lời tham dự buổi trao tặng để "ghi nhận hình ảnh".
Trong kết luận điều tra vụ sai phạm mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, có 2 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố, gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty SNB Holdings kiêm sở hữu Công ty Giang San).
Theo kết luận điều tra, 2 nữ bị can trên đã gặp Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt, đặt vấn đề để Công ty Giang San được làm đại lý cấp 1, xuất khẩu kit xét nghiệm Covid-19 và đề nghị mức chiết khấu 40% giá trị các hợp đồng.
Đổi lại, Thủy nhận giúp Việt Á được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu, tự do lưu hành. Chủ tịch Việt Á đồng ý dù 40% là mức chiết khấu cao hơn nhiều so với 20-25% mà Việt hay thỏa thuận với những "đối tác trước đó".
Việt khai chấp nhận đề nghị trên vì biết Thủy "có mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á".
Tháng 3/2020, Thủy và Linh biết Công ty Capitaland (Công ty thuộc Chính phủ Singapore) muốn ủng hộ Chính phủ Việt Nam số hàng hóa chống dịch Covid trị giá 1 triệu USD nên đã tác động doanh nghiệp này mua test của Việt Á để trao tặng.
Công ty Capitaland đồng ý nhưng yêu cầu phải có Thư cảm ơn của Chính phủ hoặc đại diện Chính phủ phải có mặt trong lễ trao tặng để tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.
Theo kết luận điều tra, điều kiện trên của doanh nghiệp khiến Phan Quốc Việt "bó tay" nhưng 2 nữ bị can lại làm được. Sau khi mua số test trị giá 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) từ Việt Á, ngày 7/4/2020, Công ty Capitaland tổ chức trao tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế) và một số quan chức Trung ương.
Khai với cơ quan điều tra, Thủy nhận là người đã gọi điện mời ông Long và một Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ tham dự buổi trao tặng. Để đảm bảo ông Long có mặt, Thủy còn gọi điện cho thư ký và vợ của cựu Bộ trưởng Y tế, nhờ "nhắc lịch tham dự đúng ngày".
Trong khi đó, kết luận điều tra cho biết, ông Long khai vì biết Thủy "có quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn" nên khi được yêu cầu, đã nhận lời tham dự buổi trao tặng để "ghi nhận hình ảnh" theo nguyện vọng của Thủy và Công ty Capitaland.
Ngày 9/4/2020, Việt chỉ đạo nhân viên đưa hơn 8 tỷ đồng là tiền chiết khấu hợp đồng cho Linh. Linh sau đó chia lại 2 tỷ đồng cho Thủy. Khi vụ án được khởi tố hồi tháng 9/2022, Thủy đã trả lại số tiền trên cho Linh.
Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Việt Á chiếm đoạt, biến kit test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng, câu kết với nhiều cá nhân, lãnh đạo Bộ, địa phương để Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm Covid-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/test không có căn cứ.
Bộ Y tế sau đó kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Trong 2 năm, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, đã bán/tặng/ứng trước hơn 8,3 triệu kit test và được thanh toán gần 6 triệu kit test (tương đương hơn 2.257 tỷ đồng). Đối chiếu với chi phí thực để sản xuất một kit test (143.461 đồng), Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.235 tỷ đồng.