1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ thẩm phán ở Đắk Lắk bị tố sửa bản án: Tòa tỉnh hủy án sơ thẩm

Trương Nguyễn

(Dân trí) - TAND tỉnh Đắk Lắk đã hủy bản án dân sự mà TAND huyện Cư Kuin xét xử sơ thẩm. Thẩm phán cấp sơ thẩm xét xử vụ án này bị người dân tố có hành vi sửa bản án sai lệch nội dung so với thời điểm tuyên án.

Ngày 10/11, một nguồn tin cho biết, TAND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành bản án phúc thẩm đối với vụ án Kiện đòi nhà và đất cho ở nhờ mà trước đó TAND huyện Cư Kuin đã xét xử sơ thẩm.

Vụ thẩm phán ở Đắk Lắk bị tố sửa bản án: Tòa tỉnh hủy án sơ thẩm - 1

Một phòng xử án tại TAND huyện Cư Kuin (Ảnh: Trương Nguyễn).

Nguyên đơn vụ án trên đã tố cáo ông H.T. (thẩm phán được phân công vụ án) và thư ký phiên tòa có hành vi sửa bản án sơ thẩm và nhận hối lộ.

Ngay sau đó, ông T. đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ cho việc xác minh của cơ quan điều tra VKSND Tối cao.

Theo đơn tố, sau khi nhận bản án, người dân phát hiện trong bản án có ghi nguyên đơn phải trả hơn 200 triệu đồng cho bị đơn. Với nội dung này, nguyên đơn khẳng định hoàn toàn không có trong bản án mà tòa tuyên (ngày 19/5). 

Toàn bộ diễn biến phiên tòa đều được nguyên đơn ghi âm đầy đủ, làm bằng chứng tố cáo. Các file ghi âm đang được cơ quan chức năng giám định.

Ngoài ra, nguyên đơn cũng tố ông T. cùng thư ký có hành vi nhận hối lộ của người dân.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk đã chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Cư Kuin giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định, nguyên đơn cho rằng có cho gia đình bị đơn mượn đất và nhà để ở nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc có thỏa thuận cho mượn nhà và đất ở nhờ giữa nguyên đơn và bị đơn.  

Do đó, nguyên đơn chỉ có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng là bàn giao đất, tài sản trên thực tế và không có quyền khởi kiện đòi nhà và đất cho ở nhờ.

Bên cạnh đó, tòa phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng, đưa thiếu người tham gia tố tụng, không xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ liên quan, chưa thu thập đầy đủ tài liệu để xác minh nguồn gốc đất, giải quyết án chưa triệt để.

TAND tỉnh khẳng định những vi phạm của cấp sơ thẩm không thể khắc phục được và làm ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung vụ án nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.