1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm được triệu tập tới phiên phúc thẩm

Xuân Duy

(Dân trí) - Bị cáo Trần Hữu Kiển cho rằng cấp sơ thẩm ban hành bản án không đúng với diễn biến phiên tòa nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định triệu tập chủ tọa phiên tòa cấp sơ thẩm.

Hôm nay ngày 26/11, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Hữu Kiển (sinh năm 1981, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre).

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Ba, hợp thành HĐXX còn có thẩm phán Tô Chánh Trung và Trần Thị Thúy Hồng.

HĐXX xác định bị hại trong vụ án là bà Trương Thị Thu T., bên cạnh đó, tòa cũng triệu tập 2 nhân chứng, 2 điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý, HĐXX quyết định triệu tập thẩm phán chủ tọa phiên tòa cấp sơ thẩm cùng thư ký tới tham gia phiên tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, có 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Kiển.

Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm được triệu tập tới phiên phúc thẩm - 1
Bị cáo Kiển tại tòa.

Theo bản án sơ thẩm, bà Trương Thị Thu T. (ngụ tại Bến Tre) là đương sự trong một vụ chia di sản thừa kế. Trong vụ án này, Tòa phúc thẩm tuyên cho bà Thủy và những người trong gia đình được chia số tiền thừa kế khoảng 6 tỷ đồng.

Sau khi bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã ban hành quyết định thi hành bản án. Để thương lượng, thỏa thuận chia tiền với các đồng thừa kế khác theo bản án nêu trên, bà T. đã đến gặp luật sư Trần Hữu Kiển tại văn phòng luật sư ở Bến Tre để ký hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Theo hợp đồng này, bà T. ủy quyền cho ông Kiển được đại diện thương lượng với các đồng thừa kế khác trong vụ chia thừa kế.

Đến năm 2014, bà T. được chia số tiền thừa kế hơn 1,3 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của ông Trần Hữu Kiển. Tuy đã rút toàn bộ số tiền để chi tiêu hết nhưng ông Kiển vẫn nói với bà T. là chưa thỏa thuận được với các đương sự khác trong việc chia tiền.

Do tin tưởng ông Kiển nên bà T. vẫn tiếp tục ký nhiều văn bản thỏa thuận khác về việc để ông Kiển đại diện cho bà. Ông Kiển còn đưa những thông tin không đúng sự thật để lừa dối bà T. như sẽ khiếu nại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…

Đến năm 2016, bà Thủy mới biết đã bị luật sư Kiển lừa dối không chịu trả tiền. Bà đã thông báo chấm dứt, hủy bỏ việc ủy quyền đối với ông Trần Hữu Kiển, đồng thời làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.

Tòa phúc thẩm có quyền triệu tập HĐXX sơ thẩm?

Tháng 3/2018, bị cáo Kiển bị TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án 12 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Kiển kháng cáo kêu oan.

Cuối năm 2018, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre bảo lưu quan điểm và tiếp tục truy tố ông Trần Hữu Kiển về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cuối năm 2019, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên tòa xét xử lần 2 và xác định cáo trạng truy tố Trần Hữu Kiển là đúng người, đúng tội, không oan sai; từ đó tuyên phạt bị cáo Kiển mức án 12 năm tù. Không chấp nhận với phán quyết trên, bị cáo Kiển tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Ngày 13/7, bị cáo Kiển có đơn gửi HĐXX TAND cấp cao tại TPHCM yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm triệu tập HĐXX cấp sơ thẩm (chủ tọa phiên tòa, thư ký và kiểm sát viên) tới tham gia phiên tòa. Bị cáo Kiển cho rằng, biên bản phiên tòa sơ thẩm và bản án sơ thẩm không phản ánh đúng diễn biến tại phiên tòa. Xét yêu cầu của bị cáo là chính đáng nên HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu của bị cáo.

Liên quan tới vấn đề này, một thẩm phán (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) cho rằng, quyết định của HĐXX phúc thẩm là hiếm và mới, phù hợp với quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

Việc triệu tập người tiến hành tố tụng đến phiên tòa để làm rõ tính khách quan của vụ án nhưng họ không phải là chủ thể của việc xét hỏi tại tòa. Điều 317 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Khi xét thấy cần thiết, HĐXX tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Ông dẫn chứng, trong phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, để làm rõ sự thật khách quan và các vấn đề liên quan, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã triệu tập các điều tra viên, thẩm phán tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm. "Những quy định này cần thiết được áp dụng để thể hiện tinh thần cải cách tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án", thẩm phán nói.