Vụ thẩm phán, giảng viên bị tố "bắt cóc trẻ em": Có dấu hiệu về nhiều hành vi khác
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, hành vi của phó Chánh án, giảng viên bị tố bắt cóc trẻ em còn có dấu hiệu về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, giữ người trái pháp luật.
Liên quan tới việc ông Nguyễn Hải Nam (thẩm phán TAND quận 4), ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) bị tố cáo xông vào nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt cóc trẻ em, Công an quận 1 đã khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra có thể xem xét thêm nhiều hành vi khác.
Nhiều tài sản bên trong ngôi nhà bị phá hủy.
Chiều 30/9, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hoàng Thị Thu Thảo cho biết đang củng cố tài liệu chứng cứ để gửi kiến nghị cơ quan điều tra xử lý nhóm chiếm giữa nhà về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Trong ngày mai, luật sư sẽ làm việc với cơ quan điều tra và yêu cầu giám định thiệt hại.
“Nhóm người chiếm giữ nhà đã có hành vi đập phá làm hư hỏng tài sản của người khác nên có đủ căn cứ xác định nhóm người này đã có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tôi cùng các luật sư bảo vệ cho bà Thảo sẽ gửi đơn kiến nghị yêu cầu xử lý những người liên quan tới hành vi này”, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Thảo bày bỏ quan điểm.
“Sau khi ông Tùng, người phụ nữ áo vàng tên Tâm đưa nhóm người vào chiếm giữ nhà tôi, họ đã tháo gỡ kệ tủ của 17 phòng, gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng, tháo 30 cánh cửa phòng, cửa toilet bị hư hại không thể sử dụng lại được (trị giá 400 triệu đồng), bồn rửa mặt, bồn rửa chén, bồn tắm bị cạy lên thiệt hại hơn 100 triệu đồng; 15 cặp vòi sen bị gãy, 30 bộ rèm cửa bị xé rách hư hại hơn 70 triệu đồng, nhiều ti vi, máy lạnh, lò vi sóng, đồ điện tử bị hư hỏng”, bà Thảo bức xúc.
Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra quận 1 cho biết đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, tiến hành lấy lời khai của những người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Theo luật sư Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn luật sư TPHCM), hành vi hủy hoại tài sản có thể hiểu là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc mất hẳn công năng, giá trị sử dụng hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn. Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được.
Trong vụ việc này, sau khi xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của người khác, các đối tượng ở trong nhà thực hiện hành vi mới là đập phá tài sản trong nhà. Vì vậy, khi nhận bàn giao nhà, các cơ quan chức năng cần lập biên bản hiện trạng căn nhà. Trường hợp giá trị tài sản bị hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Một kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại TPHCM nhìn nhận với nhóm người có hành vi dùng vũ lực “bắt” 3 đứa trẻ ra khỏi nhà, đưa ra taxi để đến một địa điểm khác, cần xem xét dấu hiệu về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật ở tình tiết đối với người dưới 18 tuổi.
“Ba đứa trẻ đã được đưa lên xe taxi. Khi bị người dân phản ứng, tài xế taxi sợ không chịu vận chuyển, bỏ đi thì những người này cũng chưa có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục đưa những đứa trẻ này đi chỗ khác cho đến khi bị ngăn cản quyết liệt. Việc làm của những người liên quan trong vụ việc có dấu hiệu của hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, trong đó có tình tiết cần lưu ý đó là bắt giữ với 2 người trở lên và đối với người dưới 18 tuổi hoặc người không có khả năng tự vệ. Tội danh này, tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm đến việc bắt, giữ người trái pháp luật. Việc chưa bắt được tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội này ở giai đoạn chuẩn bị, hoặc phạm tội chưa đạt”, vị kiểm sát viên nhận định thêm.
Hồng Lĩnh