Vụ thảm án ở bản Phồng: Chủ tọa phiên tòa từng nghi vấn bị cáo bị tâm thần
(Dân trí) - Suốt 25 năm công tác trong ngành tòa án, bản án tử hình ông và HĐXX đưa ra không phải là ít nhưng xét xử vụ án chấn động dư luận ở bản Phồng vẫn để lại cho Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn nhiều day dứt, trăn trở.
Phiên xử vụ giết người khiến 4 người trong 1 gia đình ở bản Phồng (Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) kết thúc với bản án tử hình đối với bị cáo Vi Văn Hai (SN 1990, trú cùng bản với các nạn nhân). Không phải đợi đến khi phiên tòa kết thúc người ta mới “dự đoán” được bản án dành cho kẻ thủ ác. Với hành vi tàn độc, dã man và mất hết nhân tính thì việc loại bỏ vĩnh viễn Vi Văn Hai ra khỏi đời sống xã hội là điều hết sức cần thiết.
Một bản án được dự báo từ trước nhưng vẫn thu hút đông đảo người dân đến theo dõi. Có lẽ, nhiều người trong số họ mong muốn tìm được một lý do nào đó khả dĩ để biện minh cho tội ác của Vi Văn Hai. Thậm chí như ông Trần Ngọc Sơn - Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An được phân công Chủ tọa phiên tòa cũng phải đặt câu hỏi: phải chăng bị cáo bị tâm thần?
“Ngay từ khi được phân công xét xử, trước khi tiếp cận hồ sơ tôi đã đặt câu hỏi: Liệu bị cáo có bị tâm thần không bởi một lúc ra tay với cả 4 mạng người, trong đó có cả trẻ nhỏ. Bị cáo cũng đã được đưa đi giám định sức khỏe tâm thần và được kết luận hoàn toàn bình thường”, Phó Chánh án TAND Trần Ngọc Sơn tâm sự.
Trong phiên xét xử, nghi vấn này một lần nữa được lật lại khi vị chủ tọa đặt câu hỏi với ông Vi Văn Tiệp – bố của Vi Văn Hai: “Từ nhỏ đến giờ Hai có biểu hiện gì bất thường hay không?”. Bố của Hai cho biết, Hai hoàn toàn bình thường, ông còn khẳng định Vi Văn Hai không nghiện rượu, không nghiện ma túy, thậm chí đến cả thuốc cũng không hút. Một con người bình thường, những thói hư tật xấu không nhiễm phải vậy mà chỉ trong chốc lát có thể tước đi sinh mạng của 4 con người!
Phiên tòa diễn ra nhanh gọn bởi những bằng chứng, những lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa hoàn toàn giống nhau. Bị cáo không hề chối tội mà lạnh lùng trả lời từng câu hỏi của chủ tọa phiên tòa. Chẳng cần phải đi sâu vào từng tình tiết bởi điều đó chỉ làm cho gia đình nạn nhân đau đớn hơn mà thôi.
“Trong phiên xét xử, nhiều câu hỏi, nhiều lần Hai cười, không định khai, chắp tay nhìn lên trần nhà. Lúc đó, mình phải đặt câu hỏi như thế nào để động viên bị cáo khai. Tôi cho bị cáo đứng trả lời tự nhiên, thoải mái nhất để nếu có gì còn uẩn khúc thì sẽ tự thốt khai ra. Nguồn cơn của sự việc không chỉ là chuyện trộm chanh mà là mâu thuẫn thật giữa bị cáo Vi Văn Hai và anh Thọ”, vị chủ tọa cho biết.
25 năm trong ngành, trong đó có đến gần 20 năm làm thẩm phán, đã từng xử nhiều bị cáo tử hình nhưng đây là vụ án giết người đầu tiên mà ông và HĐXX đưa ra mức án tử hình. Một vụ án chấn động dư luận, đặc biệt nghiêm trọng với 4 mạng người đã để lại cho ông nhiều trăn trở và day dứt. “Tại phiên tòa, mặc dù giết 4 người nhưng bị cáo rất bình tĩnh. Có một điều, nhiều khi thấy Vi Văn Hai trơ trẽn, không thấy gì là ân hận hay có xúc cảm buồn, chia sẻ với bị hại. Nguyên nhân không phải là do nhận thức văn hóa thấp, bị cáo đã học hết lớp 5. Theo tôi không thể đổ lỗi vì trình độ văn hóa thấp mà giết người. Đồng bào dân tộc thiểu số nhiều người không biết chữ nhưng họ có phạm tội đâu?”.
Hoàng Lam