1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn: Ai phải bồi thường?

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo luật sư, pháp nhân (Volvo Hà Nội) phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra, tuy nhiên nếu pháp nhân này không liên quan thì kỹ sư sửa xe phải bồi thường cho chủ xe Ferrari...

Chỉ là giao dịch cá nhân?

Liên quan vụ nhân viên Volvo Hà Nội lái siêu xe Ferrari tông vào gốc cây, chiều 23/7, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội (Volvo Hà Nội) cho rằng đây là sự cố đáng tiếc, là giao dịch cá nhân giữa nhân viên (kỹ sư nhận sửa chiếc xe Ferrari) doanh nghiệp này với phía Ferrari để nhận dịch vụ sửa chữa cho khách hàng.

"Chúng tôi không nhận bất kỳ dịch vụ tư vấn, sửa chữa, báo giá hay cung cấp phụ tùng nào cho các hãng khác. Đặc biệt là xe Ferrari, chúng tôi chỉ sửa chữa chính hãng cho khách hàng sử dụng xe của hãng. Ngoài ra, Volvo cũng chưa nhận bất kỳ khoản thu nào từ phía chủ xe Ferrari. Đây chỉ là giao dịch cá nhân của kỹ sư nhận sửa chiếc xe đó", vị đại diện nói.

Được biết, tài xế điều khiển chiếc Ferrari gây tai nạn là nhân viên garage của Volvo Hà Nội, nơi mà chủ xe đã gửi để sửa chữa, bảo dưỡng.

Vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn: Ai phải bồi thường? - 1

Trụ sở Volvo tại Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân).

Trong khi đó, anh H. (chủ xe) cho biết, khi xe gặp sự cố, anh đã liên hệ với Ferrari Việt Nam. Sau đó, nhân viên hãng này nói anh đem xe về trụ sở Volvo Hà Nội để kiểm tra.

Anh H. cũng nói rằng trước đây Ferrari Việt Nam vẫn thường nhờ địa điểm của Volvo Hà Nội để sửa chữa nên anh tin tưởng, thuê cứu hộ đưa xe về cơ sở này.

Sau đó, anh được nhân viên Ferrari Việt Nam gửi tin nhắn, giới thiệu kỹ sư T. là người trực tiếp sửa chiếc xe. Sau tai nạn, kỹ sư T. và tài xế điều khiển xe đã gặp anh để bồi thường. Tuy nhiên, chủ chiếc Ferrari cho rằng trách nhiệm bồi thường còn liên quan đến đơn vị nhận sửa chữa phương tiện.

Theo chủ phương tiện, chiếc siêu xe Ferrari 488 của anh thuộc đời 2018, có giá khoảng 23 tỷ đồng. Chi phí sửa chữa sau vụ tai nạn trên ước tính hơn 6 tỷ đồng. Xe không có bảo hiểm.

"Chiếc xe hư hỏng nặng, không thể tiếp tục sử dụng. Tôi mong muốn được đền bù một chiếc xe tương ứng. Nếu phía Volvo Hà Nội tiếp tục im lặng, tôi sẽ kiện ra tòa", anh H. khẳng định.

Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Liên quan tới vụ việc, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật - cho biết, theo quy định tại điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân (Volvo Hà Nội) phải bồi thường thiệt hại do người của mình (nhân viên garage) gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi (nhân viên garage) trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

"Đây là điều luật thể hiện rõ nguyên tắc bồi thường kịp thời được đề cập trong khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự", luật sư Bình nói.

Vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn: Ai phải bồi thường? - 2

Hình ảnh chiếc siêu xe Ferrari do nhân viên garage ô tô điều khiển đâm vào 2 gốc cây bên đường hôm 21/7.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Bình, trong trường hợp pháp nhân (ở đây là Volvo Hà Nội) không liên quan tới giao dịch của cá nhân kỹ sư và nhân viên garage thì Volvo Hà Nội sẽ "vô can" và không phải bồi thường cho chủ xe Ferrari.

"Nếu pháp nhân ở đây là Volvo Hà Nội không biết, hoặc không liên quan tới giao dịch cá nhân của nhân viên với phía Ferrari hay chủ xe Ferrari... thì pháp nhân này không có trách nhiệm phải bồi thường. Người phải bồi thường cho chủ xe Ferrari ở đây sẽ là anh kỹ sư, sau đó nhân viên garage sẽ phải bồi thường cho kỹ sư bởi nhân viên garage là người trực tiếp cầm lái gây ra vụ tai nạn", luật sư Bình phân tích.

Luật sư Bình cho hay, theo luật, khi người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì dù người đó có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại, pháp nhân có quyền yêu cầu người của pháp nhân có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

"Có thể trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về người của pháp nhân có lỗi, nhưng nếu buộc người của pháp nhân bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại sẽ không đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời, bởi vì người của pháp nhân gây thiệt hại sẽ khó có khả năng bồi thường cho người bị thiệt hại ngay khi thiệt hại xảy ra.

Hơn nữa, người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao để mang lại cho pháp nhân những lợi ích nhất định và hành vi gây thiệt hại liên quan đến hoạt động của pháp nhân, nên buộc pháp nhân bồi thường là hoàn toàn phù hợp", luật sư Bình nói.

Vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn: Ai phải bồi thường? - 3

Siêu xe Ferrari 488 sau tai nạn được kéo về khu vực bãi của Volvo Hà Nội (Ảnh: OFFB).

Theo luật sư Bình, khi nhận xe để sửa chữa thì giữa khách hàng và đơn vị sửa chữa đã hình thành một hợp đồng dịch vụ. Đơn vị sửa chữa phải có trách nhiệm ban hành các quy trình quy định về việc tiếp nhận xe, sửa chữa xe, ai là người được sửa chữa vận hành xe... Do đó, trong trường hợp này đơn vị sửa chữa phải đứng ra bồi thường là phù hợp.

"Kỹ sư nhận sửa xe cho khách nếu đang làm việc cho pháp nhân nào thì pháp nhân đó chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu kỹ sư nhận sửa chữa riêng thì kỹ sư sẽ phải là người chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho chủ xe", luật sư nói thêm.