Vụ tai nạn khiến 10 người chết ở Quảng Nam: Ai phải đứng ra bồi thường?

Hải Hà

(Dân trí) - Rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra sau vụ tai nạn đau thương xảy ra ngày hôm qua, 14/2 tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam khiến 10 người chết, 11 người bị thương.

10 người chết, 11 người bị thương là diễn biến mới nhất về vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam ngày hôm qua, 14/2. Có thể nói, tính từ đầu năm 2023 đến nay, đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, có số người thương vong lớn nhất trong cả nước.

Rất nhiều vấn đề đặt ra đằng sau vụ tai nạn đau thương gây xôn xao dư luận này, trong đó có những tranh luận về tính đúng, sai, pháp lý của các bên có liên quan.

Theo thông tin ban đầu, xe khách 16 chỗ gặp tai nạn đã chở 21 người trong khi theo quy định chỉ được chở tối đa 19 người, bao gồm cả lái xe và phụ xe. Cùng đó, hành vi vượt quá tốc độ cho phép có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc nghiêm trọng trên. 

Vụ tai nạn khiến 10 người chết ở Quảng Nam: Ai phải đứng ra bồi thường? - 1

Xe ô tô khách nằm lật ngửa tại hiện trường (Ảnh: Công Bính).

Lãnh đạo Công an huyện Núi Thành cũng cho hay, thời điểm xảy ra vụ TNGT trời tối, thời tiết có sương mù. Trong khi tuyến đường Võ Chí Công vẫn chưa bàn giao cho Sở GTVT Quảng Nam khai thác sử dụng, trên tuyến còn thiếu rất nhiều biển báo, đèn tín hiệu giao thông và đặc biệt là đèn chiếu sáng.

Điều khiến dư luận thắc mắc là hiện lái và phụ xe khách đã tử vong, vậy việc quy trách nhiệm trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn sẽ thế nào? Lực lượng chức năng địa phương sẽ phải có trách nhiệm thế nào khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này? Với những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?

Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, để xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này, lực lượng chức năng cần xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, từ đó xác định lỗi của các bên (nếu có) để có căn cứ xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại. 

Về nguyên nhân chủ quan, cơ quan chức năng cần làm rõ việc người tài xế có đảm bảo các điều kiện khi tham gia giao thông hay không, bao gồm các điều kiện liên quan đến giấy phép lái xe, các giấy tờ khác chứng minh đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Đồng thời xác định trong thời gian lái xe tài xế có ở trong tình trạng tỉnh táo, minh mẫn hay không, có sử dụng chất kích thích hay không,…

Mặt khác cũng cần xem xét tình trạng phương tiện giao thông bằng cách xác định niên hạn sử dụng, thời hạn đăng kiểm xe, giấy đăng ký xe hay bảo hiểm xe cơ giới... để xác định phương tiện còn đủ điều kiện lưu thông không.

Sau đó cần xác định đến yếu tố lỗi trong quá trình điều khiển phương tiện, tham gia giao thông.

Tai nạn xảy ra trên tuyến đường chưa được bàn giao đưa vào khai thác, ai phải chịu trách nhiệm?

Luật sư phân tích về nguyên nhân khách quan, do thời điểm xảy ra tai nạn (4h sáng) có nhiều sương mù, hơn nữa, đây là tuyến đường mới, chưa đưa vào sử dụng, hệ thống đèn đường vẫn chưa được trang bị nên đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái xe.

Vì vậy, trong trường hợp này, có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến tai nạn có một phần lỗi người lái xe khách, tuy nhiên người này đã tử vong nên không đề cập đến trách nhiệm pháp lý của người lái xe. Bên cạnh đó, đối với người lái xe container, lực lượng chức năng cũng cần xác minh, làm rõ yếu tố lỗi và hành vi vi phạm của người này (nếu có). 

Vụ tai nạn khiến 10 người chết ở Quảng Nam: Ai phải đứng ra bồi thường? - 2

Phần hông xe container, điểm va chạm với xe 16 chỗ (Ảnh: Công Bính).

Ngoài ra, đối với việc tuyến đường chưa được phép lưu thông, cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý tuyến đường như đơn vị quản lý có đặt biển cấm, rào chắn ngăn các phương tiện chạy vào hay không.

Nếu không có biển cấm, rào chắn thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý của đơn vị quản lý. Nếu đơn vị quản lý đã làm đủ trách nhiệm nhưng xe vẫn chạy vào, nhà chức trách sẽ làm rõ tài xế có biết đây là đoạn đường chưa được phép lưu thông không. 

Về trách nhiệm bồi thường đối với hậu quả về người và tài sản do vụ tai nạn gây ra, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác và có thiệt hại xảy ra thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Do đó, trong trường hợp này, nếu tài xế xe khách và chủ xe container đều có lỗi dẫn đến tai nạn xảy ra, gây thiệt hại về người và của thì phải có trách nhiệm liên đới bồi thường căn cứ quy định tại Điều 587 Bộ luật dân sự. Theo đó, trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi lỗi thuộc về tài xế xe khách sẽ do đơn vị làm việc của tài xế chi trả nếu tài xế lái xe thuê cho công ty vận chuyển hành khách, hay hộ kinh doanh… căn cứ quy định tại Điều 597, Điều 600 Bộ luật dân sự 2015.

Trường hợp tài xế tự kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách, gia đình của tài xế phải dùng tài sản của người này để bồi thường thiệt hại; trường hợp tài sản của người này không đủ để bồi thường thiệt hại thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có trách nhiệm thực hiện thay phần nghĩa vụ này.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, chủ phương tiện xe cơ giới phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Như vậy, đơn vị bảo hiểm cũng có trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 22/2016/TT-BTC trừ trường hợp thuộc Điều 12 Thông tư này.

Bên cạnh đó, trong trường hợp đơn vị quản lý đoạn đường trên có lỗi như không đặt biển cấm, rào chắn ngăn các phương tiện lưu thông thì đơn vị này cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.