1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ nổ súng ở Đắk Nông: "Cần xem xét lại tội danh của người nổ súng"

(Dân trí) - Ông Vũ Phi Long, một thẩm phán nhiều năm kinh nghiệm, cho rằng việc tòa sơ thẩm xử bị cáo Hiến mức án tử hình là đã không xem xét đến yếu tố "phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do các hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân".

Theo ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TPHCM) cho rằng: Tòa sơ thẩm đã không đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Hiến là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do chuỗi hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Trong trường hợp cụ thể này, công ty Long Sơn đã có hành vi trái pháp luật đối với bị cáo Hiến (và các bị cáo khác). Đã có 2 bị cáo thuộc công ty Long Sơn bị tòa xét xử về tội danh "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác”.

Do đó, ông Long đề nghị: “Trong vụ án này, tòa cần đánh giá toàn diện, xét xử đúng pháp luật, thuyết phục, hợp lý hợp tình. Tòa án tối cao đã có hướng dẫn đánh giá về bức xúc, tích tụ, dồn nén trong quá trình mà người phạm tội phải chịu để làm cơ sở xem xét tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tòa án cần xem xét về tội danh cho phù hợp với tính chất của vụ án”.

Việc tòa cấp sơ thẩm tuyên Hiến mức án tử hình khiến dư luận cho rằng bản án thiếu thuyết phục.
Việc tòa cấp sơ thẩm tuyên Hiến mức án tử hình khiến dư luận cho rằng bản án thiếu thuyết phục.

Cũng theo ông Long: “Hành vi của công ty Long Sơn tại thời điểm tổ chức lực lượng (đông người, trang bị khiên chắn, dao rựa...) để phá hoa màu, quyết tâm lấy đất của bị cáo Hiến rõ ràng là trái pháp luật. Hành vi đó thể hiện sự bất chấp, coi thường quyền bảo vệ tài sản, quyền an cư lạc nghiệp, bất chấp nguyện vọng của người dân”.

“Trước đó, sự tranh chấp, va chạm từ Công ty Long Sơn với gia đình Hiến đã xảy ra khiến sự bức xúc trong Hiến tích tụ, âm ỉ. Do vậy, thời điểm Long Sơn tổ chức lực lượng hùng hậu để quyết "ăn thua đủ" đã kích động các bức xúc đó bùng lên. Tình huống Hiến bắn cảnh cáo nhưng nhóm nhân viên Long Sơn vẫn dùng đá tấn công tới tấp khiến Hiến không thể kiềm chế, kích động tinh thần. Chính hành vi trái pháp luật của nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội một cách kích động, quyết liệt của bị cáo”, ông Long phân tích rõ.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Nguyên nhân xảy ra vụ án là quá trình khiếu nại đất đai xảy ra trong thời gian dài, và hoàn cảnh xảy là do hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn, tự tổ chức lực lượng cưỡng chế phá hủy tài sản của người dân. Từ năm 2008 tới lúc vụ án xảy ra có 4 đợt cưỡng chế lớn làm mất đi hàng chục hecta rẫy của người dân. Trong năm 2016, công ty Long Sơn tiến hành 2 đợt cưỡng chế, đỉnh điểm là vụ nổ súng vào tháng 10/2016. Sự chịu đựng của Hiến và người dân đã trải qua chẳng khác nào “tức nước vỡ bờ”.

Luật sư Hưng cho cho biết thêm: “Tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Đặng Văn Hiến là yếu căn cứ. Do đó, tòa bác tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với Hiến cũng thiếu cơ sở. Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn trong 10 năm qua. Công ty Long Sơn đã nhiều lần san ủi phá hủy cây cối và nhà cửa của dân. Hiến bị dồn vào đường cùng không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình. Trong quá trình điều tra cơ quan tố tụng đã không xem xét thấu đáo trách nhiệm của chính quyền địa phương, nguồn gốc, quy trình quản lý sử dụng đất đai ở địa phương nên không đánh giá cũng bản chất vụ án”.

“Tuyên Hiến tội chết không những không đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa của hình phạt mà thậm chí tạo ra ngọn lửa bức xúc âm ỉ cháy của người dân nơi đây” – luật sư Hưng phân tích.

Theo nội dung vụ án, quá trình thực hiện dự án, giữa người dân sinh sống tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) và công ty Long Sơn liên tục xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Ngày 23/10/2016, hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm huy động máy móc vào san ủi, phá hủy 300 cây điều, 45 cây cà phê của 3 hộ dân.

Thấy nhân viên của Công ty Long Sơn bao vây nhà mình và nghe tiếng máy san ủi, Hiến lấy súng ra ngăn chặn thì bị nhóm người này cầm gậy, khiên chặn lại. Lúc này, Hiến bắn chỉ thiên một phát thì nhóm nhân viên cầm đá ném nên Hiến bỏ chạy vào nhà rồi bắn nhiều phát về phía người của công ty.

Hiến lên gác nhà và được Hà Văn Trường hỗ trợ, Hiến tiếp tục bắn về phía nhân viên Công ty Long Sơn. Sau đó, Hiến cùng Ninh Viết Bình mang súng lên rẫy điều của ông Thắng bắn vào nhóm công nhân của Công ty Long Sơn khiến 16 người thương vong.

Xuân Duy