1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ ngân hàng Đại Tín: “Nóng” chuyện bút phê của tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước

(Dân trí) - Ông Hà Tấn Phước - nguyên Tổ trưởng tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín - khẳng định không đồng ý việc cấp tín dụng cho 2 công ty “ma” của Phạm Công Danh vay 650 tỉ đồng. Trong khi đó, các bị cáo cho rằng tổ giám sát đã đồng ý.

Chiều 2/5, TAND TPHCM tiếp tục xét xử ông Hoàng Văn Toàn (cựu Chủ tịch ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và đồng phạm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị cáo đồng loạt cho rằng tổ giám sát đồng ý cho vay.
Các bị cáo đồng loạt cho rằng tổ giám sát đồng ý cho vay.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn.

Bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) khai, khi ký quyết định cho 2 công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay 650 tỉ đồng, bị cáo có trình lên tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho giải ngân. Trên cơ sở được tổ giám sát đồng ý thì chi nhánh Sài Gòn mới cho 2 công ty vay vốn. Hồ sơ họp hội đồng tín dụng cũng được thông qua tổ giám sát vào ngày 28/12/2012. Xác nhận lời khai của ông Nam, ông Toàn cũng khai có trình hồ sơ cho vay cho tổ giám sát ngân hàng Nhà nước.

Tương tự như lời khai của ông Nam và Toàn, các bị cáo còn lại cũng khai, vào thời điểm trên, ngân hàng Đại Tín đang trong tình trạng bị giám sát đặc biệt nên mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải có chữ ký và sự đồng ý của tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa mời ông Hà Tấn Phước, nguyên Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát ngân hàng Đại Tín lên xét hỏi thì ông Phước khẳng định lời khai của các bị cáo là thiếu chính xác.

Tiếp đó, HĐXX cho ông Phước xem bút lục có “bút phê” của ông Phước liên quan tới khoản vay 650 tỉ đồng, ông Phước thừa nhận chữ viết trong hồ sơ này đúng là của mình. Tuy nhiên, ông Phước cho biết tổ giám sát căn cứ vào 3 yếu tố để đưa ra bút phê liên quan đến việc Đại Tín cho vay 650 tỉ.

Một là thông báo số 727 của ngân hàng Nhà nước báo cho ngân hàng Đại Tín đề nghị ngân hàng này xây dựng kế hoạch và kiểm soát mức dư nợ trong suốt năm 2012 bằng tại thời điểm 2011. Thứ hai, thông báo cũng do ngân hàng Nhà nước gửi ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An tại văn bản 6168 cũng quy định rõ tổ chức tín dụng yếu kém không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Thứ ba, với bút phê thì tổ giám sát không có thẩm quyền phê duyệt mà chỉ có ý kiến theo nội dung Quyết định 12 là đề nghị ngân hàng Đại Tín thực hiện dư nợ bằng thời điểm 31/12/2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

“Tại thời điểm 27/12/2012, cuối ngày bảng cân đối kế toán của Đại Tín khi báo với tổ giám sát, mức dư nợ hơn 11.900 tỉ, nếu cho vay 650 tỉ là vượt hạn mức tín dụng theo thông báo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nên đề nghị Đại Tín thực hiện bằng mức dư nợ tại thời điểm 31/12/2011. Đồng nghĩa với việc không đồng ý để Đại Tín tiếp tục cho vay”, ông Phước trình bày tại tòa.

Ngược lại, các bị cáo đồng loạt nói rằng trong bút phê không có nội dung không đồng ý cho vay nên các bị cáo hiểu rằng cho vay cũng được, không cho vay cũng được. Nhưng dư nợ tại thời điểm này là bao nhiêu thì các bị cáo không thể trình bày vì không biết. Tổ giám sát bút phê rất chung chung làm cho các bị cáo hiểu là cho vay nhưng số tiền cho vay khi cộng lại thì không được vượt quá dư nợ ngày 31/12/2011.

Sau đó, đại diện ngân hàng Nhà nước cho rằng không có ý kiến gì liên quan tới 2 khoản vay trên. Người đại diện này cho rằng HĐXX cứ căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và người liên quan để có phán quyết đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Ngày 3/5, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

Xuân Duy