Vụ Mercedes tông tiếp viên hàng không: Bị cáo nói về việc sang tên căn hộ
(Dân trí) - Bị cáo Phong khai việc mình chuyển nhượng căn hộ cho mẹ nhằm khắc phục hậu quả nhưng do căn hộ chưa có sổ hồng nên chưa thể cầm cố!
Ngày 22/4, TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (SN 1988, TPHCM) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trước đó, ngày 16/12/2020, TAND quận Phú Nhuận (TPHCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phong 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Phong là người lái ô tô Mercedes gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30/1/2020 ở đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận), khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike là ông Lê Mạnh T. (SN 1956, ngụ Quận 12) tử vong; chị Nguyễn Thị Bích Hường (SN 1990, tiếp viên hàng không; ngồi sau xe nạn nhân T) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Ngay từ sáng sớm, chị Hường đã tới tòa. Di chứng của vụ tai nạn khiến chị Hường di chuyển khó khăn. Nữ tiếp viên hàng không rê từng bước chân chậm rãi và phải cần tới sự giúp đỡ của luật sư để vào phòng xử.
Chia sẻ đầu phiên tòa, chị Hường mong muốn phiên tòa phúc thẩm sẽ xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho chị.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX xét hỏi bị cáo Phong. Theo đó, bị cáo Phong giữ nguyên kháng cáo. Bị cáo Phong cho rằng mức án 7 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt là quá nghiêm khắc. Vì vậy, bị cáo Phong xin giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Tiếp đó, tòa hỏi các bị hại về việc kháng cáo. Chị Hường cho rằng bản án sơ thẩm xét xử chưa công bằng, mức án quá nhẹ, chưa đảm bảo quyền lợi cho chị.
Theo chị Hường, bị cáo Phong phạm một lúc nhiều lỗi nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét hết sai phạm của bị cáo. Đồng thời, việc tòa áp dụng cho bị cáo hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ dẫn tới mức án chưa tương xứng. Từ đó, bị cáo Hường đề nghị HĐXX tăng hình phạt đối với bị cáo Phong.
Quá trình điều tra, bị cáo Phong có làm thủ tục chuyển nhượng căn hộ đứng tên bị cáo sang tên mẹ. Theo chị Hường, việc bị cáo chuyển nhượng căn hộ trên nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường. Cấp sơ thẩm không tuyên vô hiệu hợp đồng trên là không đảm bảo quyền lợi cho chị và các bị hại trong vụ án.
Ngoài ra, chị Hường yêu cầu các bên liên quan có trách nhiệm liên đới bồi thường cho chị.
Đại diện gia đình ông Lê Mạnh T. kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo. Theo đại diện gia đình bị hại thì bị cáo bỏ mặc hậu quả, bản án xử chưa nghiêm khắc.
Tiếp đó, HĐXX bắt đầu xét hỏi vào nội dung vụ án. Bị cáo Phong khai mình đang học bằng lái xe ô tô và chưa có bằng lái. Bị cáo từng lên mạng xã hội để tìm kiếm mua bằng giả và nhiều lần dùng bằng giả để thuê xe. Ngày xảy ra vụ án thì bị cáo thuê xe để cùng bạn gái đi Phan Thiết.
Khi bị HĐXX hỏi về việc chuyển nhượng căn hộ cho mẹ bị cáo khi bị cáo đang bị tạm giam thì bị cáo Phong khai căn nhà này do mẹ bị cáo mua, bị cáo chỉ đứng tên giúp mẹ. Bị cáo chuyển nhượng căn nhà cho mẹ nhằm mục đích khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên theo bị cáo, do căn hộ chưa có sổ hồng nên chưa thực hiện việc cầm cố được.
Khi được hỏi thì mẹ bị cáo Phong cho biết, trong thời gian bị tạm giam, Phong có gửi cho bà 150 triệu đồng để lo bồi thường cho các nạn nhân nhưng do cả 2 nạn nhân không nhận nên bà trích ra 30 triệu đồng để bồi thường cây xanh bị tông gãy trong vụ tai nạn. Còn số tiền 120 triệu đồng thì bà xin bồi thường mỗi bên số tiền 60 triệu đồng.
Về việc căn hộ của bị cáo Phong đã được đưa vào sử dụng một thời gian nhưng chưa ra được sổ hồng thì chủ đầu tư cho rằng còn một số vấn đề nên chưa thể ra được sổ hồng.
Phiên tòa tiếp tục xét hỏi.