Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên: Đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm
(Dân trí) - Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX tuyên chấp nhận sự thuận tình ly hôn của vợ chồng ông Vũ và bà Thảo. Về phần tài sản, Viện Kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, vì vậy đề nghị HĐXX hủy phần về tài sản để xét xử lại.
Ngày 4/12, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (sinh năm 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Tại phiên tòa sáng nay, các bên tiếp tục tranh luận, phía nguyên đơn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình về việc bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền lợi của bà Thảo. Còn về phía bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên đúng quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm đánh giá ông Vũ đóng góp nhiều hơn trong quá trình hình thành và phát triển Trung Nguyên, từ đó, tuyên chia cho ông Vũ phần tài sản lớn hơn là đúng với thực tiễn.
Sau khi nghe các bên tranh luận, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM phát biểu về quan điểm xử lý vụ án.
Về hôn nhân, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận sự thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo, tuyên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Vũ và bà Thảo không còn hiệu lực.
Về cấp dưỡng nuôi con, tòa cấp sơ thẩm tuyên giao các con chung cho bà Thảo chăm sóc và công nhận sự tự nguyện cấp dưỡng các con chung là 10 tỉ đồng/năm. Thời điểm cấp dưỡng được tính từ năm 2013 cho tới khi các con chung trưởng thành lao động tự lập. Viện Kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng điều luật chưa phù hợp để đưa ra phán quyết trên. Đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm, tuyên ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng các con tới năm 18 tuổi.
Về tài sản chung, đại diện Viện sát chỉ ra hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Từ đó, đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ phần tài sản để xét xử lại theo đúng quy định.
Về quyết định của Chánh án TAND cấp cao bị “bỏ quên”, Viện Kiểm sát cho rằng cần xem xét lại các thủ tục tống đạt quyết định trong vụ án để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.
Trước đó, bà Thảo kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, ông Vũ kháng cáo chia lại phần tài sản, đồng thời Viện KSND TPHCM chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm, từ đó, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Vũ, chấp nhận 1 phần kháng cáo của bà Thảo và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện KSND TPHCM. Tuyên sửa 1 phần bản án sơ thẩm, chấp nhận sự thuận tình cho vợ chồng ông Vũ, bà Thảo được ly hôn, hủy toàn bộ phần về tài sản, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại.
Sau phiên tòa, ông Vũ cho rằng ông không có ý kiến về đề nghị của Viện Kiểm sát. Ông cho rằng vụ án kéo dài suốt nhiều năm khiến ông mệt mỏi, đau khổ và mong muốn nhanh chóng kết thúc để ông có thể tập trung vào những công việc khác, cũng như tránh ảnh hưởng tới các con chung. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng cho rằng bà Thảo đẩy sự việc đi quá xa nên ông không thể hàn gắn tình cảm lại với bà Thảo.
Còn bà Thảo thì cho rằng, bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên bà mong muốn HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà Thảo cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không đúng quy định pháp luật, chèn ép bà cùng các con, cố tình đẩy bà ra khỏi tập đoàn Trung Nguyên.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng bày tỏ mong muốn đoàn tụ với ông Vũ, mong muốn làm trọn trách nhiệm của người vợ được chăm sóc cho ông Vũ, tuy nhiên bà cho rằng đó là mong muốn của bản thân bà, còn việc chấp nhận hay không sẽ phụ thuộc vào phán quyết của HĐXX.
Chiều ngày 5/12, HĐXX sẽ ra phán quyết về vụ án.
Xuân Duy