1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Dương:

Vụ “lột đồ đánh ghen”: Nỗi đau của những đứa trẻ vô tội

(Dân trí) - Sau vụ “lột đồ đánh ghen”, nghi can gây đánh ghen đã bị bắt tạm giam, nạn nhân thì phải nghỉ việc vì không chịu được những ánh mắt soi mói của đồng nghiệp, nhưng có lẽ hơn cả là nỗi đau mà những đứa trẻ vô tội đang phải gánh chịu.

Bà Lê Thị Tuyết bị gia hạn tạm giữ lần 2.
Bà Lê Thị Tuyết bị gia hạn tạm giữ lần 2.

Trước đó, chiều 22/4, bà Lê Thị Tuyết (43 tuổi, ngụ P. Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) đã bị bắt vì liên quan trực tiếp đến vụ đánh ghen dã man chị N.T.B. (40 tuổi, ngụ gần nhà bà Tuyết).
 
Cho rằng chị B. và ông L.Đ.P (chồng bà Tuyết) có quan hệ lén lút với nhau nên sáng 16/4, bà Tuyết cùng con trai là Lê Đình Qúy (15 tuổi) đã chặn đường đánh “hội đồng”, lột quần áo chị B. giữa đường.

Vào cuộc điều tra, công an TP.Thủ Dầu Một đã triệu tập những người liên quan đến trụ sở công an P.Phú Hòa lấy lời khai. Sau khi có đầy đủ bằng chứng, bà Lê Thị Tuyết đã bị bắt khẩn cấp về hành vi “Làm nhục người khác” và được di lý về trụ sở công an thành phố để tiếp tục điều tra.

Sau 3 ngày bị tạm giữ, công an TP.Thủ Dầu Một xác định còn nhiều điểm nghi vấn cần làm rõ nên chưa hòan tất hồ sơ chuyển Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp đề nghị khởi tố vụ án mà ra quyết định tạm giữ hình sự lần 2 nhằm có thời gian làm rõ vụ việc và trách nhiệm của những người liên quan.

Theo Thiếu tá Hà Minh Thắng - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), hiện cơ quan điều tra còn đang truy xét người quay và đưa đoạn clip ghi lại cảnh mẹ con bà Tuyết đánh ghen chị B. lên mạng nhằm mục đích gì, từ đó mới đưa ra hình thức xử lý cho phù hợp.
 
Riêng trường hợp của Lê Đình Quý, do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan công an sẽ phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp thống nhất phương thức xử lý đối với Quý.

Vụ “lột đồ đánh ghen” đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Nghi can gây đánh ghen cũng đã bị bắt tạm giam, nạn nhân phải nghỉ việc vì không chịu được những ánh mắt soi mói của đồng nghiệp. Nhưng đằng sau tất cả những chuyện đó thì vẫn còn một nỗi đau lớn nhất mà những đứa trẻ vô tội đang phải gánh chịu.

Đứa con gái lớn của chị B. đang học đại học tại Bình Dương khi biết chuyện đã khóc nức nở, cả ngày không bước ra khỏi nhà, tinh thần suy sụp. Hai đứa con nhỏ khác của chị B. cũng bị “ám ảnh” bởi hình ảnh người mẹ tả tơi lững thững bước vào nhà. Cách đó không xa, căn nhà bà Tuyết luôn đóng kín cửa. Dư luận tại khu vực này luôn xoáy vào bàn tán chuyện xung quanh giữa hai gia đình.

Nghĩ về các con bà Tuyết bật khóc trong nhà tạm giam
Nghĩ về các con bà Tuyết bật khóc trong nhà tạm giam.

Còn nhớ, khi công an đọc lệnh bắt khẩn cấp, bà Tuyết đã bật khóc “Tôi không nghĩ hành động của mình lại vi phạm pháp luật như vậy”. Thấy vợ bị dẫn giải ra xe đặc chủng di lý về trụ sở công an TP.Thủ Dầu Một, ông P. đã chạy với theo xin các điều tra viên được lấy chìa khóa xe, chìa khóa nhà mà bà Tuyết đang giữ để chạy về chăm sóc hai đưa con nhỏ đang bị bệnh.
 
Thấy cảnh này, một cán bộ công an đã nhắc nhở: “Chút nữa anh phải lên công an thành phố làm việc, xong việc anh về mà lo cho các cháu, mẹ cháu bị bắt giam rồi. Trong chuyện này anh cũng là người có lỗi”.

Bà Tuyết và ông P. có với nhau 3 người con. Lê Đình Qúy là con trai lớn, dưới Qúy còn 3 đứa em (9 tuổi và 4 tuổi). Chiều đến không thấy mẹ về, bọn nhỏ bật khóc đi tìm.

Trung Kiên