Vụ Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD: Phối hợp với Singapore thu hồi tài sản tham nhũng
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã trao đổi với cơ quan chống tham nhũng của Singapore về việc thu hồi khối tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt tại nước này.
Giang Kim Đạt-bị can trong vụ án Vinashin vừa bị bắt theo quyết định truy nã quốc tế Giang Kim Đạt-bị can trong vụ án Vinashin vừa bị bắt theo quyết định truy nã quốc tế
Thông tin trên được ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý II do TTCP tổ chức sáng 23/7.
Trước câu hỏi của báo chí về việc cơ quan chức năng của Việt Nam có phối hợp với cơ quan chức năng của nước ngoài để rà soát, thu hồi tài sản mà Giang Kim Đạt (bị can trong vụ án Vinashin vừa bị bắt theo quyết định truy nã quốc tế) đã tẩu tán, điển hình là những bất động sản tại Singapore? – ông Ngô Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam và Singapore là những quốc gia cùng ký kết Công ước về chống tham nhũng trong đó cũng có nền tảng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về thu hồi tài sản tham nhũng. Mới đây cơ quan chống tham nhũng của Singapore cũng đã có trao đổi với TTCP về những nội dung này.
“Cả hai cơ quan cũng đang tích cực theo dõi để xử lý việc này nhưng hiện nay đang trong quá trình điều tra nên những thông tin về tài sản tham nhũng, tính chất tham nhũng và những tài sản có liên quan như thế nào thì còn phải chờ kết luận cuối cùng và từ đó sẽ thực hiện các bước thu hồi tài sản theo quy định”, ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cho biết thêm, từ năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định: Chính phủ phải trình quốc hội để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên gần 10 năm thực hiện Luật, các cơ quan chức năng rất là nỗ lực để trình đề án kiểm soát thu nhập tài sản nhưng chưa ra được văn bản theo mà Quốc hội yêu cầu theo Luật Phòng chống tham nhũng 2005.
“Tới đây nếu có được văn bản này, trong đó cụ thể các cơ chế để kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức thì chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tài sản bất minh, hoặc tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Khi có cơ chế kiểm soát tốt tài sản nếu xảy ra tham nhũng thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, các PV cũng đề nghị TTCP xác nhận thông tin việc một cán bộ của TTCP bị bắt giữ vì nhận 100 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP cho biết: “Ngày 8/7/2015, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội đã cử cán bộ đến làm việc với chúng tôi liên quan đến việc ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1980), đang công tác tại Phòng Tổng hợp, Cục 1 - Thanh tra Chính phủ bị bắt giữ vì liên quan tới một vụ án có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi khẳng định rằng, việc này không liên quan đến hoạt động công vụ. Căn cứ Luật Cán bộ công chức và nghị định hướng dẫn liên quan, TTCP đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng”.
Ông Ngô Văn Khánh cho rằng, đây là một bài học đau xót đối với TTCP trong việc quản lý, tu dưỡng, rèn luyện cán bộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 11,2 nghìn tỷ đồng, 655,9 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 7,5 nghìn tỷ đồng. Đã thu hồi hơn 6,2 nghìn tỷ đồng và 514,9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 3,7 nghìn tỷ đồng, 141 ha đất; ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 1,8 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.
Theo Lê Dương
Tiền phong