Vụ án Giang Kim Đạt làm rõ hơn những lỗ hổng khi thực thi pháp luật

Trong vụ án này, một lần nữa minh chứng điều dư luận thường chua xót nhắc đến về bốn chữ ệ: “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ”? Đã đến lúc dư luận không thể chấp nhận những “loại ệ” này, nó không chỉ làm băng hoại xã hội mà còn đe dọa cả thể chế của chúng ta.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện bắc thang lên trời

Mức án tử hình được VKS đề nghị HĐXX giành cho Giang Kim Đạt như là một lẽ tất nhiên. Nhưng, những câu hỏi bao trùm đặt ra là: vì sao một kẻ không bằng đại học lại có thể dễ dàng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng như vậy?

Cùng bị truy tố về tội “tham ô tài sản”, vị đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines mức án tử hình. Trần Văn Liêm (SN 1955) - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines bị đề nghị xử phạt tù chung thân và Trần Văn Khương (SN 1950) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines bị đề nghị áp dụng 20 năm tù. Riêng bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950) - bố đẻ Giang Kim Đạt bị đề nghị xử phạt từ 8 năm tù đến 9 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Theo đó, trong vòng hai năm (5.2006 – 6.2008), thông qua các Cty môi giới, ba bị cáo Liêm, Đạt, Khương đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu để gửi giá cước trong hợp đồng thuê mướn 9 con tàu và đã chiếm đoạt 249 tỷ đồng của Vinashinlines. Ngoài ra, nhận hoa hồng từ việc mua 3 con tàu, Đạt đã nhận được gần 11,5 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 260,5 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình gửi giá một con tàu thuê mướn (chứ không phải mua bán) xấp xỉ tới gần 30 tỷ đồng. Và chỉ trong 2 năm, họ đã chiếm đoạt của nhà nước tới 250 tỷ đồng. Câu hỏi cần đặt ra: Cơ chế sơ hở cỡ nào để nhóm tội phạm này ăn dày đến như vậy?

Nhưng điều lạ hơn trong vụ án này lẽ nào, hàng trăm tỷ đồng này chỉ có 3 “thầy trò” này ăn cả? Câu trả lời là không thể. Vậy phải chăng cơ chế kiểm soát của chúng ta là còn lỗ hổng, nên không truy được những kẻ đã nhúng tràm?

Tương tự, về cái gọi là tiền môi giới, theo Đạt khai tại tòa, lệ phí công ty môi giới được hưởng từ 1- 5,75% giữa bên bán tàu và bên môi giới là thông lệ quốc tế. Nếu cứ cho là đúng như vậy, số tiền này ai sẽ được hưởng theo luật? Trong vụ án này cho thấy rõ một điều, toàn bộ số tiền môi giới hơn 711.000 USD này Đạt và Liêm đã hưởng toàn bộ.

Nhưng, liệu phần hoa hồng đó chỉ có ăn chia giữa Đạt và Liêm? Bởi như Đạt nói, để mua bán các con tàu này cần phải qua rất nhiều công đoạn. Lẽ nào, Đạt không “cảm ơn”- nó không hề nhỏ Tuy nhiên, không có bằng chứng.

“Quan hệ, tiền tệ” thể hiện rất rõ trong vụ án này.

Qua lời khai tại tòa của Đạt, tháng 2.2006, tuy không có hợp đồng lao động, không có chức danh tại Vinashinlines nhưng Đạt vẫn được “cắp cặp” theo Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kiểu như trợ lý. Nhưng sau khi được chuyển làm chuyên viên phòng Kế hoạch đầu tư, thấy gò bó, Đạt xin nghỉ việc. Nếu tháng 10.2007 Đạt thôi việc, thì đến tháng 4-2008, Đạt lại quay lại làm việc vì … nể Tổng giám đốc Liêm.

Không hiểu có mối quan hệ đặc biệt thế nào với Liêm, vào làm việc lần này, Đạt được thăng quan, làm Quyền Trưởng phòng kinh doanh và được sang Vương quốc Anh để đàm phán về việc tàu của Cty bị bắt giữ.

Rõ ràng việc cất nhắc cũng như bố trí công việc cho Đạt là không bình thường. Nhưng, mọi việc vẫn êm xuôi nếu không có vụ án “tham ô tài sản” xảy ra. Trong vụ án này cũng như nhiều vụ án khác cho thấy, hầu như việc cất nhắc ai đó hoàn toàn do người đứng đầu quyết định mà không thấy vai trò của đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn ở đâu. Phải chăng, luật của chúng ta vẫn còn sơ hở, vẫn còn hình thức để những người đứng đầu có thể lạm quyền để xây dựng e kíp trục lợi?

Trong vụ án này, một lần nữa minh chứng điều dư luận thường chua xót nhắc đến về bốn chữ ệ: “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, trí tuệ”? Đã đến lúc dư luận không thể chấp nhận những “loại ệ” này, nó không chỉ làm băng hoại xã hội mà còn nguy cơ không chỉ tàn phá những gì các bậc tiền bối đã đổ mồ hôi xương máu gây dựng nên mà còn đe dọa cả thể chế của chúng ta.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm