1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức?

Hải Nam

(Dân trí) - Tại phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu và Hà Duy Tuấn phản bác lời khai của nhau về số tiền đã giao dịch.

Sáng 17/9, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế C03 Bộ Công an) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) Nguyễn Minh Quân chi tiền để "chạy án".

Ngoài ra, cũng liên quan vụ án trên, các bị cáo Lê Thanh An (cựu cán bộ C03), Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du Lịch Việt), Nguyễn Ngọc Triệu (cựu Trụ trì Chùa Nôm), Bùi Thị Hồng Giang (luật sư) và Hà Duy Tuấn (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty CP Đầu tư Long Thịnh) bị xét xử tội Môi giới hối lộ.

Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận các cáo buộc của VKSND TP Hà Nội, đồng ý với tội danh bị truy tố. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu và Hà Duy Tuấn có nhiều mâu thuẫn về số tiền giao dịch và mục đích sử dụng số tiền.

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức? - 1

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Đăng Phong làm chủ tọa.

Đưa 300.000 USD để làm công đức?

Theo cáo trạng của VKS, sau khi thất bại trong việc nhờ Bùi Trung Kiên lo lót để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Quân đã liên hệ với Trần Văn Long để được giới thiệu cho người có thể giúp mình.

Thông qua Long, ông Quân gặp luật sư Giang. Giang sau đó nhờ bị cáo An. Số tiền Quân đưa cho Giang và Long để chạy án là 1,5 triệu USD. Toàn bộ số tiền này, Giang đưa cho An. Cựu cán bộ Cục C03 khai bản thân trực tiếp nhận 500.000 USD, còn 1 triệu USD, An cho biết nhờ Tuấn nhận hộ.

Đứng trước HĐXX, Tuấn nói được ông An nhờ giúp cho một "người em" nên không hề biết số tiền 1 triệu USD là để chạy án cho ông Quân. Sau đó, Tuấn đã liên hệ với bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu đề cập việc muốn tìm người để giúp đỡ và được cựu sư thầy nhận lời.

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức? - 2

Bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu.

Theo lời khai của Tuấn, anh ta đã đưa cho Triệu tổng 970.000 USD. Tuy nhiên, cựu trụ trì Chùa Nôm phản bác, nói chỉ nhận 400.000 USD.

Tại bục khai báo, Triệu kể có 2 lần nhận tiền từ Tuấn. Lần đầu tiên, Tuấn đưa cho Triệu 100.000 USD, nói là để đưa cho ông Vũ Văn Đắc (Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Thành), giúp cho ông Quân. Lần thứ 2, theo lời khai của Triệu, Tuấn đã đến chùa để ăn cơm rồi đưa 300.000 USD với mục đích làm công đức. Riêng số tiền 300.000 USD này, Triệu nói đã chi tiêu vào việc chung của chùa.

Còn đối với 100.000 USD trước đó, cựu sư thầy đóng vào hộp, mang đến cho ông Đắc. Tuy nhiên, vài ngày sau, Triệu nhận lại toàn vẹn số tiền từ vị doanh nhân.

"Khi gặp tôi, Tuấn tự nhận tôi là sư phụ rồi nhờ tôi liên hệ anh Đắc giúp. Tôi có hỏi tại sao anh không tự liên hệ thì Tuấn bảo tôi liên hệ sẽ tốt hơn", Triệu trình bày trước tòa.

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức? - 3

Bị cáo Hà Duy Tuấn.

Phản bác lại lời khai của Triệu, Tuấn cho rằng bản thân có một chiếc điện thoại (đã bị cơ quan điều tra thu giữ), trong đó có các bằng chứng như tin nhắn, cuộc gọi... chứng minh cho giao dịch giữa bị cáo với cựu sư thầy. Tuy nhiên, đại diện VKS cho biết cơ quan chức năng đã trích xuất các nội dung trong điện thoại và xác định những tư liệu này không thể hiện được số tiền mà Tuấn đưa cho Triệu.

Tiếp tục trình bày, Tuấn kể có nhiều lần anh ta đưa tiền cho Triệu nhưng chỉ 2 lần có người chứng kiến. Những lần còn lại, bị cáo không có bằng chứng hay tài liệu, giấy tờ gì chứng minh. Một chi tiết khác mà Tuấn phản bác lại Triệu đó là số tiền được cho là để "công đức" đưa cho cựu trụ trì Chùa Nôm là tiền VNĐ chứ không phải tiền USD.

Cựu cán bộ C03 bị đề nghị 9-10 năm tù giam

Trong phần xét hỏi, bị cáo Kiên cho biết ban đầu ông ta bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, tội danh được chuyển sang Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Kiên thừa nhận tội danh bị truy tố và những cáo buộc của VKS.

Kiên cho biết có mối quan hệ quen biết, bạn bè với ông Quân từ năm 2020. Sau đó, Kiên được ông Quân đề nghị xác minh giúp quá trình điều tra của Bộ Công an đối với những sai phạm trong đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức.

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức? - 4

Bị cáo Bùi Trung Kiên.

Cựu cán bộ C03 khai 5 lần nhận tiền từ Quân, tổng 2,2 triệu USD, và để toàn bộ tiền trong tài khoản. Khi đại diện VKS chất vấn về việc tại sao lại hứa hẹn với ông Quân khi bản thân không có khả năng thực hiện theo yêu cầu? Kiên cho rằng ông Quân chỉ nhờ "xác minh" nên bị cáo mới nói là "vẫn đang xác minh".

Sau khi bị phát hiện việc chỉ hứa suông, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền. Tuy nhiên, bị cáo này chỉ trả lại cho vị giám đốc bệnh viện 1,15 triệu USD và chiếm đoạt số còn lại.

Trong quá trình vụ án được điều tra, các bị cáo đều đã tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền trong vụ án. Riêng chỉ có bị cáo Tuấn chưa khắc phục hơn 13 tỷ đồng.

Trong bản luận tội sáng cùng ngày, đại diện VKSND Hà Nội đánh giá 6 bị cáo đều ăn năn hối cải, khai nhận các hành vi phạm tội. Đối với bị cáo Kiên, đại diện VKS cho rằng ông ta là người có học vấn, hiểu biết pháp luật nhưng gian dối, lợi dụng lòng tin của ông Quân để chiếm đoạt tiền.

Vụ cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức chạy án: 300.000 USD là tiền công đức? - 5

Đại diện VKSND TP Hà Nội luận tội.

Ngoài ra, Kiên và bị cáo Lê Thanh An còn từng công tác trong ngành công an nhưng không giữ được phẩm chất, thực hiện hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, tác động xấu đến hình ảnh lực lượng CAND.

Sau khi đánh giá, VKS đề nghị HĐXX phạt Bùi Trung Kiên 9-10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về tội Môi giới hối lộ, VKS đề nghị phạt Bùi Thị Hồng Giang và Lê Thanh An cùng mức 6-7 năm tù; Hà Duy Tuấn 8-9 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu 4-5 năm tù; Trần Văn Long 3-4 năm tù.