Đắk Lắk:
Vụ công ty lâm nghiệp để mất trên 300ha rừng: 8 cán bộ kêu oan
(Dân trí) - Tại phiên tòa phúc thẩm, 8/9 bị cáo là cán bộ nhân viên công ty lâm nghiệp đã một mực kêu oan về bản án sơ thẩm.
Ngày 18/8, tại TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 9 bị cáo là cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo gồm: Nguyễn Hồng Mạnh (SN 1968 nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar); Phan Văn Đức (SN 1974 nguyên Phó giám đốc công ty); Nguyễn Văn Vũ (SN 1975, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng); Phạm Văn Kỳ (SN 1962, nguyên Trưởng Phân trường 3).
Nguyễn Phước Hưng (SN 1963, Nhân viên Phân trường 3); Đào Thanh Hưởng (SN 1968, Trưởng Phân trường 1); Nguyễn Hữu Thọ (SN 1971); Lưu Minh Thanh (SN 1984) và Nguyễn Văn Tuân (SN 1986, đều là nhân viên Phân trường 1).
Theo cáo trạng, tại lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, bảo vệ đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện nhiều vụ phá rừng.
Cơ quan công an xác định từ năm 2015 đến 2019, công ty này đã để mất trên 300ha rừng, trên 28.000m3 gỗ thiệt hại với số tiền trên 29 tỷ đồng.
Sau đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Hồng Mạnh 5 năm tù; Phan Văn Đức 4 năm 6 tháng tù; 7 bị cáo còn lại lãnh mức án từ 2 năm đến 4 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, có 8/9 bị cáo kêu oan và một bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ việc.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định việc mất rừng không chỉ là do các đối tượng lâm tặc khai thác mà còn do việc người dân xâm chiếm lấy đất sản xuất nhiều năm trước đây.
Đồng thời, cấp phúc thẩm cho rằng việc cơ quan CSĐT không xác định được thời điểm rừng bị khai thác, không phân tách được mức độ thiệt hại theo mốc thời gian cụ thể để xác định diện tích rừng các hộ dân lấn chiếm có nằm trong phần diện tích bị mất rừng trong vụ án này hay không là thiếu sót.
Ngoài ra, HĐXX nêu rõ bản kết luận điều tra và cáo trạng không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo như thế nào. Đồng thời, chưa thu thập các tài liệu liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án để trả hồ sơ điều tra, bổ sung vụ án này.